Hàng nhập khẩu không dán nhãn phụ bằng tiếng Việt khi lưu thông trên thị trường không chỉ gây khó khăn cho người tiêu dùng trong nhận biết về sản phẩm hàng hóa mà còn tiềm ẩn nguy cơ trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng ra thị trường.
Việc bắt buộc sản phẩm nhập khẩu phải có gắn tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt đảm bảo cho người tiêu dùng có thể nhận biết nguồn gốc, xuất xứ và các thông tin cần thiết về hàng hóa nhập khẩu.
Đồng thời, quy định dán nhãn phụ bằng tiếng Việt đối với hàng nhập khẩu còn hạn chế sự trà trộn của hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Theo quy định hiện hành, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam nếu chưa được thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bằng tiếng Việt thì bắt buộc phải có nhãn phụ thể hiện các nội dung bằng tiếng Việt.
Cụ thể, tại khoản 3, điều 7, Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hoá có quy định như sau:
"Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.”
Theo quy định trên nếu hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.
Cũng theo quy Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, thì nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa được quy định tại khoản 1 Điều 10
"Điều 10. Nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa
1. Nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau:
a) Tên hàng hóa;
b) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;
c) Xuất xứ hàng hóa;
d) Các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa được quy định tại Phụ lục I của Nghị định này và văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Theo đó, trên nhãn phụ phải chứa đựng đầy đủ các thông tin sau đây:
– Hướng dẫn sử dụng
– Thành phần công thức đầy đủ
– Tên nước sản xuất
– Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường
– Định lượng thể hiện bằng khối lượng tịnh hoặc thể tích
– Số lô sản xuất
– Ngày sản xuất hoặc hạn dùng phải được thể hiện một cách rõ ràng
– Lưu ý về an toàn khi sử dụng (nếu có)."
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên tại Cửa hàng Trung Quốc có địa chỉ ở số 24 phố Mạc Thái Tông, Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội thì gần như toàn bộ các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc được bày bán tại đây đều không được gắn nhãn phụ bằng Tiếng Việt.
Với biển quảng cáo cỡ lớn, cửa hàng này khá thu hút được người tiêu dùng ở quanh khu vực phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Một kệ bán đồ ăn vặt có nguồn gốc được nhập từ Trung Quốc tại cửa hàng được giới trẻ yêu thích.
Tuy nhiên, toàn bộ các sản phẩm bày bán tại kệ này hoàn toàn không được gắn hay dán nhãn phụ bằng Tiếng Việt.
Sản phẩm đùi gà mặn được nhiều người quan tâm. Nhưng cả 2 mặt của sản phẩm cũng không hề có nhãn phụ bằng Tiếng Việt.
Hàng chục sản phẩm mỳ ăn liền được bày trên kệ hàng toàn bằng chữ Trung Quốc.
Món bánh này cũng không có chú thích bằng tiếng Việt trên sản phẩm, khiến người mua cũng không thể biết tên món ăn này là gì.
Món cơm tự sôi được bày bán khá nhiều, nhưng không có nhãn phụ bàng Tiếng Việt nên người mua không biết cách sử dụng, cũng như không biết rõ hạn sử dụng của sản phẩm.
Ngoài các sản phẩm, mặt hàng là thực phẩm, đồ ăn vặt, nước ngọt...thì tại Cửa hàng Trung Quốc này cũng bày bán rất nhiều sản phẩm đồ gia dụng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tương tự các sản phẩm thực phẩm, các mặt hàng gia dụng này cũng không được dán nhãn phụ bằng Tiếng Việt.
Rất nhiều loại kem đánh răng được sản xuất tại Trung Quốc cũng được bày bán.
Đủ các loại gia vị như nước mắm, nước tương có nguồn gốc từ Trung Quốc
Hàng hoá, sản phẩm luôn được xếp đầy ắp trên các kệ hàng.
Do không hề có một biển hiệu, chữ viết nào bằng Tiếng Việt nên cửa hàng nhìn không khác một siêu thị bên Trung Quốc.
Không chỉ có các đồ ăn vặt, thực phẩm, đồ gia dụng...Cửa hàng Trung Quốc cũng bày bán các loại rượu, thuốc lá của Trung Quốc.
Gian hàng bày bán các loại rượu đặc trưng của Trung Quốc.
Loại rượu nổi tiếng Mao Đài được bày bán với giá hơn 4 triệu đồng.
Nhưng trên tất cả các sản phẩm được bày bán đều không có nhãn phụ bằng Tiếng Việt, không có tem nhập khẩu với loại hàng đặc biệt này.
Tương tự các rượu, các loại thuốc lá Trung Quốc được bày bán tại đây cũng không hề được dán nhãn phụ bằng Tiếng Việt và tem nhập khẩu.
Theo tìm hiểu, cửa hàng này được khai trương và đi vào hoạt động được hơn 2 tháng. Tuy nhiên, không hiểu vì sao mà các đơn vị chức năng vẫn để cửa hàng này ngang nhiên bày bán các sản phẩm mà không có dán nhán phụ bằng Tiếng Việt.
Với thông tin trên sản phẩm này, người tiêu dùng Việt Nam khó có thể biết được nơi sản xuất, hạn sử dụng cũng như các thành phẩn của sản phẩm. Thậm chí, với những người không biết tiếng Trung thì ngay cả tên sản phẩm này là gì thì cũng khó mà biết được.
Thậm chí hoá đơn thanh toán và máy tính tiền tại cửa hàng cũng đều bằng chữ Trung Quốc, khiến người tiêu dùng Việt khó có thể phân biệt được tên, loại sản phẩm đã mua.
Theo quy định hiện nay, việc buôn bán hàng hóa hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam thì tuỳ trường hợp, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý khác nhau.
Cụ thể, tại khoản 2, Điều 31, Nghị định 119/2017/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 49, Điều 2, Nghị định 126/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:
"2. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng trở lên được quy định như sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;
h) Phạt tiền gấp 02 lần mức tiền phạt quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản này trong trường hợp hàng hóa vi phạm là: lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng."
Như vậy, đối chiếu với các quy định hiện hành, thì việc Cửa hàng Trung Quốc bày bán các sản phẩm nhập khẩu nhưng không dán nhãn phụ bằng Tiếng Việt đang có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam.
Trước sự việc trên, Báo Pháp luật Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng như Quản lý thị trường Hà Nội, Chi Cục Thuế khu vực I vào cuộc xác minh làm rõ và xử lý các vi phạm nếu có.
phapluatplus