Tiếp tục thua lỗ
Chị Nguyễn Ngọc Oanh - chủ cửa hàng kinh doanh quần áo tại phố Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, từ thời điểm xảy ra dịch Covid-19 đến nay chị có mở thêm kênh bán hàng online, nhưng đây là thời điểm bắt đầu vận hành kênh kinh doanh mới nên việc tiếp cận khách hàng rất khó khăn do phải cạnh tranh với nhiều kênh bán lẻ khác và việc bán hàng online cũng chưa mang liệu hiệu quả cao.
“Thời điểm hiện tại khi lệnh giãn cách xã hội đã được nới lỏng, gần 10 ngày nay cửa hàng đã mở bán trở lại nhưng doanh thu gần như là không có, cả kênh online và bán trực tiếp đều rất ít khách” - chị Oanh chia sẻ.
Hệ thống cửa hàng bán lẻ đã mở cửa trở lại nhưng vẫn vắng khách. (Ảnh: Internet).
Tương tự là trường hợp của chị Nguyễn Phương Linh - chủ chuỗi cửa hàng kinh doanh quần áo trên các tuyến phố Chùa Bộc, Chùa Láng và Đặng Văn Ngữ, mặc dù đã đầu tư kênh bán hàng online ngay từ thời điểm bắt đầu kinh doanh. Nhưng hoạt động kinh doanh cũng không mấy khả quan.
“Doanh thu ở thời điểm hiện tại của chuỗi cửa hàng tôi đang quản lý đã giảm trên 80%, mặc dù phần doanh thu còn lại chủ yếu dựa vào bán online, nhưng hiện tại vẫn đang phải bù lỗ cho chi phí mặt bằng và marketing” - chị Linh cho hay.
Khảo sát thực tế của phóng viên Kinh tế & Đô thị cho thấy, mặc dù lệnh cách ly xã hội đã được nới lỏng hơn chục ngày nay. Ngoài những cửa hàng kinh doanh thực phẩm, y tế và các nhu yếu phẩm; còn lại mặt bằng kinh doanh các sản phẩm khác dù mở cửa nhưng chỉ hoạt động cầm chừng hoặc nhiều cửa hàng vẫn đóng cửa chưa hoạt động trở lại. Ghi nhận tại một số trung tâm bán lẻ, siêu thị điện máy lớn trên địa bàn Thủ đô lượng khách đến mua sắm cũng hết sức thưa thớt.
Hệ thống cửa hàng bán lẻ đã mở cửa trở lại nhưng vẫn vắng khách. (Ảnh: Internet).
Theo đánh giá của các chuyên gia, Covid-19 đã làm cho cuộc “tấn công” của thương mại điện tử vào thị trường bán lẻ truyền thống một cách mạnh mẽ. Phần lớn những người kinh doanh truyền thống đều vận dụng mô hình kinh doanh mới để có thể thích ứng trong giai đoạn hiện nay.
Ông Lê Thành Vân - CEO hãng thời trang Gumac cho biết, trong thời gian dịch bệnh, đặc biệt là thời điểm thực hiện giãn cách xã hội toàn bộ chuỗi cửa hàng của hàng trên cả nước đều phải đóng cửa, việc thực hiện bán hàng online đã làm giảm doanh số, nhưng về cơ bản đơn vị này vẫn có doanh thu để duy trì hoạt động.
Chúng tôi đã tập trung vào việc cải thiện sản phẩm, xây dựng lại quy trình chăm sóc khách hàng và chính sách bán hàng để làm sao khách hàng cảm thấy đây là một địa điểm mua sắm online lý tưởng, uy tín. Chúng tôi cũng tập trung vào nguồn khách hàng thường xuyên, vì đây là những người đã trải nghiệm sản phẩm của hãng rồi nên việc tiếp cận bán hàng sẽ dễ hơn, kèm theo đó là những quà tặng đặc biệt, độc quyền để gia tăng giá trị cho sản phẩm” - ông Vân cho hay.
Các trung tâm thương mại cũng chưa có khách trở lại.
Đồng quan điểm, Giám đốc Bộ phận cho thuê thương mại TP Hồ Chí Minh Từ Thị Hồng An cho biết, các cơ sở bán lẻ nên dành sự quan tâm chiến lược cho mảng bán hàng trực tuyến. Bởi đây là kênh bán hàng xu hướng, có thể gây dựng được thương hiệu cho cửa hàng vừa và nhỏ một cách nhanh chóng. Với hơn 70% dân số đều tham gia kết nối Internet, đây là nguồn khách hàng tiềm năng vô cùng lớn cho việc khai thác thượng mại điện tử của các mặt bằng bán lẻ.
“Thời cơ của ngành bán lẻ trong thời gian sắp tới chủ yếu nằm ở việc thay đổi cấu trúc kinh doanh. Những thay đổi này bao gồm phát triển thương mại điện tử, điều chỉnh phương thức tính giá thuê hoặc thay đổi hành vi người tiêu dùng. Và các DN, người kinh doanh cần biết nắm bắt thời cơ, cân nhắc kỹ lưỡng chiến lược kinh doanh để mang lại thành công” - bà An nhìn nhận.