Để thúc đẩy lĩnh vực này, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp để giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nâng cao năng lực cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước, nhất là các tập đoàn đa quốc gia.
Sản xuất linh kiện máy tại Công ty Cơ khí chính xác và Chuyển giao công nghệ (Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ). Ảnh: Quang Thái
Hàm lượng công nghệ mới đạt trung bình và thấp
Theo Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng hơn 900 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, với trên 320 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới.
Trong đó, hầu hết là các doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện cung cấp cho các doanh nghiệp chế tạo chủ lực như sản xuất ô tô, xe máy, cơ khí chế tạo, điện - điện tử... Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, từng bước tham gia được vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân cho biết, năm 2023, nhiều cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ của thành phố đã được Sở Công Thương chủ động phối hợp với các đơn vị triển khai đến các doanh nghiệp và phát huy tác dụng tích cực. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ liên tục tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng, tập trung vào 3 nhóm ngành nghề: Sản xuất linh kiện, phụ tùng; sản phẩm phục vụ ngành dệt may - da giày; sản phẩm cho công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thực tế cho thấy, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước nói chung và Hà Nội nói riêng còn đơn giản, hàm lượng công nghệ mới ở mức trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp nên khối lượng linh phụ kiện nhập khẩu hằng năm về Việt Nam phục vụ lắp ráp, chế tạo, sản xuất... lên đến hàng chục tỷ USD. Riêng sản phẩm linh kiện nhập khẩu thuộc ngành điện tử và ô tô vào khoảng 35-50 tỷ USD.
“Năm 2024, các doanh nghiệp nói chung và trong ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng được nhận định sẽ vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến nguồn lao động, tài chính, làm đứt gãy chuỗi cung ứng... và chỉ có các doanh nghiệp mới biết rõ mình cần làm gì, cần những điểm tựa gì, hợp tác như thế nào với các đối tác để có thể tham gia chuỗi sản xuất, chiếm lĩnh được thị trường trong nước cũng như thị trường toàn cầu”, ông Nguyễn Vân thông tin.
Củng cố về “chất” cho doanh nghiệp
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, với định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đưa Hà Nội trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, công nghiệp xanh, thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan, các hội, hiệp hội… triển khai nhiều giải pháp thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Để đạt mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2024, thành phố sẽ đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó là thuê chuyên gia tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ triển khai mô hình nhà máy thông minh; kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu trở thành nhà cung ứng sản phẩm.
Cùng với đó, Hà Nội cũng tổ chức các hội chợ công nghiệp hỗ trợ với sự tham gia của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành phố khác cũng như doanh nghiệp nước ngoài; tăng cường các hoạt động quảng bá, kết nối giao thương trực tuyến, ứng dụng công nghệ thực tế ảo; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại; mua bản quyền, sáng chế, phần mềm, thuê chuyên gia nước ngoài và đào tạo nguồn nhân lực…
Bên cạnh sự chủ động của các doanh nghiệp, để đồng hành, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội Nguyễn Hoàng cho biết, hiệp hội sẽ tiếp tục củng cố về “chất” cho doanh nghiệp hội viên để có thể trực tiếp sản xuất, cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao cho các tập đoàn đa quốc gia đang có mặt tại Việt Nam, đồng thời sớm hội nhập vào chuỗi sản xuất công nghiệp hỗ trợ ASEAN và toàn cầu. Trong đó, hiệp hội sẽ tập trung vào cơ khí chế tạo cho ngành ô tô, điện tử và công nghiệp quốc phòng, dân sinh…
Bên cạnh đó, hiệp hội sẽ kết nối đầu vào - đầu ra, gói vay tài chính ưu đãi từ Chính phủ, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, hỗ trợ về đào tạo lao động kỹ thuật cao, xuất nhập khẩu máy móc cũ, ủy thác chất lượng sản xuất; tiếp tục đồng hành phát triển Khu công nghiệp Hanssip để hỗ trợ có hiệu quả cho các doanh nghiệp hội viên nội địa và các doanh nghiệp FDI có mặt bằng, nhà xưởng...
Việc kết nối các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn đang có mặt tại Việt Nam là hết sức quan trọng, thúc đẩy và “kèm cặp” để các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) này đặt hàng, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất linh phụ kiện cho họ, từ đó các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội trực tiếp len chân vào chuỗi sản xuất công nghiệp hỗ trợ toàn cầu.
Thanh Hiền - Hà Nội mới