Không đóng cả nhà máy nếu phân xưởng có F0
Chiều 2/10, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đã thông tin thêm về dự thảo “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” của Bộ Y tế đang lấy ý kiến khi vẫn còn nhiều băn khoăn đặt ra về khả năng thực thi.
Trong đó, có nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về việc trong trường hợp doanh nghiệp có F0, F1 trong nhà máy thì có bị phong tỏa toàn bộ hay đóng cửa không?.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. (Ảnh: VGP)
Theo đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong tình hình mới là chúng ta thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả trong công tác phòng chống dịch, mở cửa phát triển kinh tế với điều kiện có lộ trình và đảm bảo an toàn trong sản xuất và phòng chống dịch.
Đồng thời, chúng ta cũng vẫn phải thực hiện nguyên tắc 5K, vắc xin, thuốc, công nghệ thông tin và ý thức của người dân. Cách ly, xét nghiệm an toàn, hiêu quả, điều trị sớm, từ xa, hạn chế tử vong.
"Bộ Y tế đã có hướng dẫn và đang xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo quốc gia để sớm ban hành trong thời gian tới", ông Tuyên cho biết.
Theo ông Tuyên, Bộ Y tế đã nhiều lần cùng với lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp và làm việc với hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp FDI liên quan đến việc này.
"Với các doanh nghiệp có một trường hợp F0 ở một phân xưởng, thì chúng tôi hướng dẫn là chúng ta không phải đóng cửa cả nhà máy, mà chúng ta khoanh vùng phân xưởng, đưa trường hợp F0 đi cách ly điều trị y tế", ông Tuyên nói.
Sau đó sẽ tiến hành sàng lọc đưa các trường hợp F1 đi cách ly, tiến hành khử khuẩn phân xưởng. Sau 24 giờ có thể đưa lực lượng mới, được kiểm soát, quay trở lại làm việc. Đồng thời tiến hành tiêm chủng mở rộng ở phân xưởng đó để doanh nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển.
Khuyến khích doanh nghiệp mua test xét nghiệm cho công nhân
Liên quan đến vấn đề giá test xét nghiệm, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã có rất nhiều văn bản hướng dẫn về xét nghiệm để các đơn vị đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm cho người dân cũng như công nhân trong các doanh nghiệp.
Trong đó, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn rất cụ thể đối tượng nào trong doanh nghiệp được ưu tiên xét nghiệm sàng lọc và có văn bản hướng dẫn gộp mẫu xét nghiệm.
Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các đơn vị cung ứng xét nghiệm đảm bảo tính công khai, minh bạch; tạo điều kiện cho các đơn vị đăng ký đảm bảo tính cạnh tranh về giá cả.
Khuyến khích doanh nghiệp mua tài trợ cho tỉnh, thành phố, nhà máy, công nhân
Theo ông Tuyên, đến nay Bộ Y tế đã cấp phép cho 97 test xét nghiệm, trong đó có 35 test xét nghiệm PCR và 39 test xét nghiệm kháng nguyên để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trong vấn đề cung ứng test Covid-19 phục vụ các doanh nghiệp và địa phương.
"Thời gian qua, Bộ Y tế, đồng chí Bộ trưởng đã có rất nhiều công điện, văn bản chỉ đạo nghiêm cấm các hành vi tiêu cực trong việc mua sắm sinh phẩm xét nghiệm, lợi ích nhóm trong vấn đề này", ông Tuyên cho biết.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Y tế, Thanh tra tỉnh tích cực kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị và thanh kiểm tra các cơ sở cung cấp dịch vụ xét nghiệm để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
"Bộ Y tế cũng đã thành lập đoàn kiểm tra do Thanh tra bộ làm trưởng đoàn đi kiểm tra các tỉnh mà chúng tôi cho rằng cần thanh tra trước để xem xét, chấn chỉnh như thông tin vừa rồi báo chí đã đưa", ông Tuyên nói.
Nói thêm về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, về kiểm soát giá sinh phẩm xét nghiệm, Bộ Y tế đang tiến hành thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, giá các loại test xét nghiệm nhanh phụ thuộc vào chủng loại, tiêu chuẩn, nguồn gốc, chất lượng, số lượng mua, thời điểm, diễn biến của dịch bệnh tại thời điểm mua.
Theo ông Sơn, một số doanh nghiệp tham gia mua test xét nghiệm cho công nhân, mua để hỗ trợ cho địa phương, người dân, cho biết họ vẫn mua bình thường, mua nhiều được giảm giá. Do đó sẽ khuyến khích doanh nghiệp mua tài trợ cho tỉnh, thành phố, nhà máy, công nhân.
Hậu Lộc - TTTĐ