Tại Mỹ, một quản lý cửa hàng đồ chơi liên tục nhận được thông báo tăng giá từ nhà cung cấp. Một nhà sản xuất son dưỡng môi dự báo chi phí nguyên vật liệu sẽ đội thêm 5 triệu USD. Một trung tâm biểu diễn nghệ thuật phải chi thêm 140.000 USD ngoài dự toán để lắp đặt ghế mới cho khán phòng.
Đó chỉ là vài ví dụ cho thấy các doanh nghiệp Mỹ đang dần cảm nhận tác động trực tiếp từ chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump – chính sách vốn được xây dựng với mục tiêu tái cân bằng thương mại và thúc đẩy sản xuất nội địa.
Dù chính quyền Trump vừa thông báo tạm hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với hàng hóa từ hàng chục quốc gia, song mức thuế đánh vào hàng Trung Quốc lại tiếp tục gia tăng – nâng tổng mức thuế hiệu lực lên 145% nếu tính cả các đợt áp thuế trước đó.
Ông Steve Shriver – Giám đốc điều hành Eco Lips, một công ty có trụ sở tại bang Iowa chuyên sản xuất mỹ phẩm hữu cơ – cho biết doanh nghiệp của ông đang đối mặt với tình trạng hoang mang nhất từ trước đến nay.
Một cửa hàng đồ chơi tại Mỹ. Ảnh: Reuters
“Chúng tôi liên tục phải xoay xở trong nỗi lo âu và bất an – từ chuỗi cung ứng cho đến kế hoạch kinh doanh tương lai,” ông nói.
Shriver cho biết ông đã phải gửi thư tới hơn 300 khách hàng, là các đối tác đặt hàng theo nhãn hiệu riêng, để thông báo về việc giá thành sản phẩm sẽ tăng và thời gian giao hàng bị kéo dài.
“Tôi không đặt nhiều kỳ vọng vào việc tạm hoãn thuế. Nó chỉ kéo dài 90 ngày, và có thể thay đổi bất kỳ lúc nào,” ông chia sẻ. “Ngay cả mức thuế cơ sở 10% cũng đã là một gánh nặng thực sự đối với chúng tôi.”
Theo ước tính của Shriver, chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu trong 12 tháng tới có thể tăng thêm 5 triệu USD – cao hơn đáng kể so với mức chi thường niên 10 triệu USD hiện nay cho các thành phần thiết yếu như dầu dừa, vani hay cacao – những loại nguyên liệu không thể trồng tại Mỹ.
Doanh nghiệp nhỏ “khó thở” vì giá tăng liên tục
Tại bang Colorado, ông Paul Kusler – chủ cửa hàng đồ chơi Into the Wind tại thành phố Boulder – cho biết doanh nghiệp của ông vốn có doanh thu khoảng 2,5 triệu USD mỗi năm và phụ thuộc nhiều vào nguồn hàng từ Trung Quốc.
“Thuế quan áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc là cú đánh nặng nề đối với chúng tôi. Đây là rủi ro mang tính sống còn,” ông nói. Ông Kusler cho biết ông đang nhận được thông báo tăng giá từ nhà cung cấp gần như hàng ngày, ngay cả với các lô hàng đã cập cảng. Giá hàng hóa đã tăng từ 7–10% chỉ trong vòng vài tuần sau khi Tổng thống Trump tuyên bố “Ngày Giải phóng Thương mại” vào đầu tháng 4.
Người dân mua sắm tại siêu thị ở San Mateo, California, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
“Chúng tôi chỉ có thể chịu đựng được tối đa khoảng 3% chi phí tăng thêm – phần còn lại buộc phải chuyển cho người tiêu dùng,” ông nói. “Nhưng trong bối cảnh hiện tại, người tiêu dùng cũng đang phải thắt chặt chi tiêu vì giá cả mọi thứ khác đều tăng.”
Tăng giá, hoãn kế hoạch, tạm ngừng tuyển dụng
Không riêng gì Eco Lips hay Into the Wind, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang phải tạm dừng kế hoạch phát triển, hoãn tuyển dụng nhân sự và thậm chí hủy đơn hàng vì lo ngại chi phí leo thang và thị trường kém ổn định.
Tại Pensacola, Florida, bà Emily Ley – nhà sáng lập công ty văn phòng phẩm cao cấp Simplified – cho biết công ty của bà đã phải nộp trên 1 triệu USD tiền thuế thương mại kể từ năm 2017, khi chính sách thuế của ông Trump bắt đầu có hiệu lực.
Với mức thuế mới lên đến 145% đối với hàng Trung Quốc, bà Ley cho rằng khoản chi phí thuế tương tự sẽ quay lại chỉ trong vòng 12 tháng tới.
“Chúng tôi đã cố gắng đưa sản xuất về Mỹ, nhưng không thể tìm được nhà cung ứng đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng với chi phí hợp lý,” bà nói. “Tình thế hiện nay có thể đẩy chúng tôi tới bờ vực phá sản.”
Hiện bà Ley đang kiện chính phủ liên bang với lập luận rằng các mức thuế hiện hành vi phạm hiến pháp do dựa trên các đạo luật không liên quan tới thương mại.
Ghế mới, chi phí mới – và những bài toán chưa lời giải
Tại Đại học Denver, bà Aisha Ahmad-Post – Giám đốc Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Robert & Judi Newman – đang phải tìm nguồn tài chính để bù đắp phần chênh lệch hơn 140.000 USD cho dự án thay mới gần 1.000 ghế tại Nhà hát June Swaner Gates.
Nhà hát June Swaner Gates. Ảnh: Reuters
Sau quá trình so sánh và loại trừ hai nhà cung cấp trong nước vì các lý do về chi phí và quy trình hóa chất, trung tâm đã quyết định đặt ghế từ công ty Ducharme (Canada) với tổng giá trị hơn 560.000 USD.
Tuy nhiên, đến ngày 5/3, bà Ahmad-Post bất ngờ nhận được thông báo rằng mức thuế 25% đang áp dụng cho hàng hóa từ Canada sẽ khiến chi phí đội thêm đáng kể – dù ghế đã bước vào khâu sản xuất.
“Chúng tôi không thể thay đổi phương án vào phút chót. Mọi kế hoạch lắp đặt đã được cố định từ trước,” bà nói. “Giờ thì ngân sách của chúng tôi đang bị đe dọa nghiêm trọng.”
nguonluc