Dự án của nhiều 'ông lớn' đang trong 'tầm ngắm' của Bộ Công an
Kinhte&Xahoi
Thông tin từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công an cũng đang phối hợp với Bộ Công thương và các đơn vị liên quan nhiên cứu, đánh giá các kết luận thanh tra để kiến nghị xử lý theo quy định pháp luật ở hàng loạt dự án...
Nhà máy Đạm Ninh Bình là một trong những nhà máy chưa thoái được vốn nhà nước do gánh nặng nợ nần
Còn 17 nhiệm vụ chưa hoàn thành
Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) về việc xử lý các tồn tại yếu kém ở một số dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả của ngành Công thương, sau khi tiếp nhận 11/12 dự án, nhà máy từ bộ Công Thương, UBQLVNN đã rà soát, tổng hợp các hồ sơ và thấy rằng, mặc dù số lượng nhiệm vụ mà các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành chiếm 75,36%, nhưng các khó khăn mấu chốt vẫn nằm ở 17 nhiệm vụ chưa hoàn thành.
17 nhiệm vụ được cho là quá hạn thuộc trách nhiệm của các tập đoàn, tổng công ty. Cụ thể, với Tập đoàn PVN có 5 nhiệm vụ chưa hoàn thành như: Thứ nhất nhiệm vụ khởi động lại nhà máy, xây dựng phương an chuyển nhượng hoặc thoái vốn của PVoil khỏi dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước; Thứ hai, thuê tư vấn định giá tàu 104.000 DWT để xác định giá trị làm cơ sở kiểm toán, quyết toán bàn giao tàu, tìm kiếm, thảo luận với các đối tác tiềm năng để thực hiện phương án chuyển đổi sở hữu Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thủy Dung Quất;
Nhiệm vụ thứ ba là xử lý tranh chấp, quyết toán hợp đồng EPC, quyết toán dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Quãng Ngãi; Thứ tư là xây dựng phương án thoái vốn khỏi dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ và tiến hành đàm phán với các cổ đông khác hoặc tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng, thoái vốn khỏi dự án, phối hợp với các cổ đông khác tiến hành giải quyết các phát sinh vướng mắc với nhà thầu PVC để thống nhất thanh toán dứt điểm khối lượng công việc mà nhà thầu đang thực hiện; Nhiệm vụ cuối cùng là xây dựng kế hoạch và tổ chức định giá tài sản để làm cơ sở triển khai thực hiện phương án chuyển đổi sở hữu công ty ở Dự án Nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ.
Còn Tập đoàn hóa chất hiện cũng được cho là chưa hoàn thành việc đàm phán và quyết toán gói thầu hợp đồng EPC và quyết toán dự án đối với Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc và Dự án án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 –Lào Cai, cơ cấu lại các khoản nợ của dự án.
Đối với Tổng Công ty thép Việt Nam, ở dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên các nhiệm vụ được giao như hoàn thành xác định giá trị dự án và xây dựng phương án tái cơ cấu TISCO; chủ động đàm phán và giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc tranh chấp với nhà thầu tại các hợp đồng EPC cũng được cho là chưa hoàn thành.
Còn ở dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và dự án nhà máy gang thép Lào Cai, các nhiệm vụ như: Đầu tư hoàn thiện hạng mục dây chuyền cán thép 500 ngàn tấn/năm và hệ thống xử lý xỉ thu hồi kim loại cũng được xác định là không hoàn thành như đã được giao.
Bộ Công an đang phối hợp để xử lý
UBQLVNN cho biết, đối với 6 nhà máy, dự án hoạt động trở lại thì có 2 đơn vị có lãi (DAP số 1 Hải Phòng và Nhà máy thép Việt-Trung), 4 đơn vị đã giảm lỗ theo từng năm nhưng hoạt động vẫn còn nhiều khó khăn vì thiếu vốn, gánh nặng nợ nần nên chưa thể thực hiện thoái vốn Nhà nước (gồm đạm Hà Bắc, nhà máy DAP số 2 Lào Cai, đạm Ninh Bình, Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thủy Dung Quất ).
3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay chỉ có một dự án vận hành trở lại. Cụ thể, dự án sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ tự vận hành sản xuất 3 dây chuyền DTY từ 20/4/2018. Hai dự án vẫn dừng sản xuất gồm: Dự án nhà máy sản xuất NLSH Quảng Ngãi và dự án NLSH Bình Phước.
Đáng chú ý, UBQLVNN cho hay, Bộ Công an đã tiếp nhận Kết luận Thanh tra, tiến hành điều tra, khởi tố vụ án, bị can về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” ở một số dự án như: Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ, Nhà máy sinh học Ethanol Phú Thọ, Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên.
Cũng theo thông tin từ UBQLVNN, Bộ Công an cũng đang phối hợp với Bộ Công thương và các đơn vị liên quan nhiên cứu, đánh giá các kết luận thanh tra để kiến nghị xử lý theo quy định pháp luật ở hàng loạt dự án như: Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol Quảng Ngãi, Nhà máy đạm Ninh Binh, Nhà máy công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất, bột giấy Phương Nam, Nhà máy sản xuất phân DAP số 2 Lào Cai.
Ngoài ra, do chưa có Kết luận thành tra đối với các dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol Bình Phước, Khai thác và tuyển quặng mỏ Quý Xa, Nhà máy gang thép Lào Cai, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 Hải Phòng và dự án Nhà máy đạm Hà Bắc, Bộ Công an tiếp tục nắm tình hình, phối hợp với các cơ quan liên quan theo chức năng nhiệm vụ.
Theo UBQLVNN, việc xử lý các dự án, nhà máy càng trở nên cấp thiết vì càng để lâu Nhà nước càng mất vốn, có nguy cơ âm và mất hết vốn chủ sở hữu. Để giải quyết dứt điểm cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu các tập đoàn, Tổng công ty có dự án, kém hiệu quả trong việc xử lý dứt điểm tồn tại yếu kém của dự án. Tăng cường các phiên họp chuyên đề để cho ý kiến chỉ đạo giải quyết theo nhóm vấn đề hoặc đối với dự án cụ thể. Thực hiện các giải pháp tài chính tín dụng theo nguyên tắc thị trường.