Triệu chứng khởi phát bệnh đậu mùa khỉ.
Tối 25-9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) thông tin về việc đã xác định 2 bệnh nhân nhiễm đậu mùa khỉ trên địa bàn. Theo đó, ngày 22-9, một bệnh nhân nam 29 tuổi ngụ tại Đồng Nai nhưng tạm trú tại thành phố Hồ Chí Minh đến khám tại Bệnh viện Da liễu thành phố Hồ Chí Minh với triệu chứng và các dấu hiệu nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ.
Bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh và ngày 23-9 cho kết quả dương tính với vi rút đậu mùa khỉ. Bệnh nhân hiện đang cách ly điều trị. Đáng chú ý, 1 trong 8 người ở trọ cùng bệnh nhân này, hiện ngụ tại Bình Dương cũng đã được xác định nhiễm bệnh đậu mùa khỉ (là bạn gái của nam bệnh nhân trên).
Như vậy, tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có 4 bệnh nhân nhiễm căn bệnh này.
Tài liệu hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế về phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ. Đồ họa: TTXVN.
Ngay sau khi xác định ca bệnh, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, khoanh vùng không để bệnh lây lan.
Giám đốc HCDC Nguyễn Hồng Tâm cho biết, 7 người còn lại trong số những người ở trọ cùng nam bệnh nhân được hướng dẫn tự cách ly theo dõi tại nhà với sự giám sát của nhân viên y tế. Khu trọ đã được khử khuẩn toàn bộ. “Nam bệnh nhân từ nước ngoài trở về, 3 tuần qua chỉ ở Việt Nam. Những người tiếp xúc gần trong khu trọ đang có sức khỏe ổn định, chưa có triệu chứng bất thường”, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm thông tin.
Từ Bình Dương, sáng 26-9, Phó Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Chín thông tin, nữ bệnh nhân nhiễm bệnh đậu mùa khỉ (là bạn gái nam bệnh nhân nêu trên) tạm trú tại khu phố Cổng Xanh, xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên là người đầu tiên ở Bình Dương được xác định mắc căn bệnh này. Hiện Sở Y tế vẫn duy trì các hoạt động giám sát ca bệnh từ tối 23-9 đến nay.
“Các cơ sở y tế của tỉnh Bình Dương đã và đang điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân này để quản lý, xử lý kịp thời ổ dịch, tránh để bệnh tăng nặng gây tử vong; tổ chức cách ly, giám sát tốt, không để bệnh lây lan ra cộng đồng”, bác sĩ Huỳnh Minh Chín nói.
Còn tại Đồng Nai, theo thông tin cập nhật từ Sở Y tế vào sáng 26-9, ngành Y tế đã xác định có ít nhất 4 người có tiếp xúc với nam bệnh nhân nêu trên khi người này từ thành phố Hồ Chí Minh về thăm nhà tại Đồng Nai vào ngày 2-9. Tuy nhiên, ngày 17-9, nam bệnh nhân mới có những biểu hiện đầu tiên khởi phát bệnh nên thời gian trước đó là quá trình ủ bệnh, khả năng lây nhiễm rất thấp. Ngành Y tế tỉnh Đồng Nai vẫn đang giám sát các trường hợp tiếp xúc gần này để kịp thời xử lý khi có dấu hiệu bất thường.
Dấu hiệu phân biệt triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ và các bệnh khác. Đồ họa: Trung tâm Y tế quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.
Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh lây truyền từ động vật sang người, việc lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh.
Thời gian ủ bệnh thường từ 6-13 ngày, nhưng có thể dao động từ 5-21 ngày. Triệu chứng điển hình là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.
Bệnh có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần. Tuy nhiên, trên các đối tượng nguy cơ cao (phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch,…) có thể chuyển nặng (nhiễm khuẩn da, viêm phổi, viêm não, nhiễm khuẩn huyết) và tử vong. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh theo thống kê trước đây dao động từ 0-11%.
Bộ Y tế khuyến cáo 7 biện pháp phòng tránh bệnh đậu mùa khỉ. Đồ họa: HCDC.
Triệu chứng cơ bản giai đoạn khởi phát bệnh đậu mùa khỉ (2-4 tuần từ khi nhiễm bệnh): Sau khi hạ sốt, bệnh nhân xuất hiện phát ban tiến triển từ rát → sẩn → mụn nước → mụn mủ → lõm, đóng vảy → bong vảy. Có thể cùng xuất hiện ban ở nhiều giai đoạn khác nhau trên cơ thể. Nốt phát ban phân bố từ mặt lan sang các bộ phận khác trong cơ thể. Tổn thương cũng có thể xuất hiện trên màng nhầy, kết mạc, giác mạc trong miệng, trên lưỡi và trên cơ quan sinh dục...
|
Nhóm PV- Hà Nội mới