Xem nhiều

Không nên nghe lời đồn mua tích trữ hàng hóa

08/03/2020 15:07

Kinhte&Xahoi Sau cảnh chen nhau mua lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm tại một số nơi trong buổi sáng, đến chiều qua, 7-3, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận thực tế cho thấy, hàng hóa tại các điểm bán đã tương đối dồi dào, giá cả ổn định. Sự vào cuộc kịp thời của chính quyền các cấp đã giải tỏa tâm lý lo âu cho người dân và khẳng định việc không nên nghe theo lời đồn mà mua tích trữ hàng hóa quá nhiều so với nhu cầu.

Nhiều siêu thị tăng nguồn cung để phục vụ nhu cầu hàng hóa, thực phẩm của người tiêu dùng. Trong ảnh: Người dân mua hàng tại siêu thị Aeon Mall Hà Đông. Ảnh: Hữu Tiệp

Nhu cầu cần - hàng hóa cung đủ

Sáng 7-3, ngay sau khi xuất hiện tình trạng người dân đổ đến các chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng tạp hóa để mua sắm các mặt hàng thiết yếu nhằm tích trữ do tâm lý lo ngại ảnh hưởng từ dịch Covid-19, Bộ Công Thương, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối (hệ thống các siêu thị, các cửa hàng tiện ích…) trên địa bàn Thủ đô tăng cường nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Cùng với đó, thành phố tăng cường thông tin về khả năng cung ứng những mặt hàng này cùng các khuyến cáo.

Trước những thông tin tích cực này và nguồn hàng hóa liên tục được cung cấp bổ sung, ngay trong buổi chiều cùng ngày tình hình thị trường Hà Nội đã nhanh chóng bình ổn trở lại. Nếu như buổi sáng, tại nhiều cửa hàng, siêu thị, người dân chen nhau mua vơ vét thực phẩm, thì đến buổi chiều tại nhiều siêu thị trên địa bàn Hà Nội lượng hàng hóa từ thịt, cá, rau, củ quả, gạo, dầu ăn… rất dồi dào, gần như đầy các quầy kệ, trong khi đó lượng khách tới mua sắm đã giảm so với buổi sáng.

Tại siêu thị Big C Thăng Long và siêu thị Big C Long Biên, lượng hàng hóa rất phong phú, người tiêu dùng có thể lựa chọn tùy số lượng theo nhu cầu. Chị Vũ Thị Hằng (ở số 64/94 phố Đức Giang, quận Long Biên) đang mua sắm tại Big C Long Biên cho biết, lượng hàng hóa dồi dào nên chị không phải vất vả chọn hàng. Biết đây là siêu thị lớn có nhiều nguồn hàng nên chị chỉ mua lượng thực phẩm vừa đủ dùng trong 2-3 ngày tới. Chị Nguyễn Thị Huyền Trang, nhân viên bán hàng ở Big C Thăng Long cho biết, từ sáng siêu thị bán rất nhiều mì tôm, các nhu yếu phẩm khác như thịt, cá, rau... nhưng chưa bao giờ Big C hết hàng.

Có mặt tại siêu thị Tmart (72 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai) chiều tối 7-3, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận quang cảnh khác hẳn buổi sáng cùng ngày khi số người đến mua đã giảm mạnh. Lượng hàng tại siêu thị vẫn còn khá nhiều. Những mặt hàng sắp hết tiếp tục được nhân viên của siêu thị bổ sung. Chị Nguyễn Thị Hoa (ngõ 85 Lĩnh Nam) cho biết, gia đình vừa hết dầu ăn nên chị đi mua. Mặt hàng này tại siêu thị vẫn còn rất nhiều, giá ổn định, không tăng.

Tại siêu thị Mega Market Hà Đông, các gian hàng khá vắng khách. Khu quầy bán thịt các loại, hàng hóa dồi dào nên người dân thoải mái lựa chọn. Anh Đỗ Đức Hùng (ở phường Phú La) cho biết: "Gia đình tôi thường xuyên mua hàng tại siêu thị này. Hôm nay, tôi đi mua thấy hàng hóa bán tại đây vẫn dồi dào, không khan hiếm như một số thông tin trên mạng xã hội".

Còn tại cửa hàng tiện ích Vinmart+ ở Khu chung cư New Horizon (87 Lĩnh Nam) hàng hóa phong phú, lượng người vào mua tại siêu thị cũng không nhiều. Cửa hàng không những giữ ổn định giá bán hàng mà còn đang giảm giá một số mặt hàng. Chẳng hạn, trứng gà còn 22.900 đồng/hộp 10 quả thay vì 25.600 đồng/hộp như trước, táo Rockit giảm từ 122.500 đồng/hộp xuống 98.500 đồng/hộp; thịt lợn xay giảm từ mức 43.500 đồng/khay xuống 39.000 đồng/khay... Tại một siêu thị Vinmart+ khác ở số 44-46 phố Kiều Mai, phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm) đến 18h30 ngày 7-3, các mặt hàng vẫn bày bán phong phú. Theo chị Bùi Thị Phương, nhân viên siêu thị, ngày 8-3, tất cả mặt hàng sẽ tiếp tục nhập về để phục vụ người tiêu dùng.

Trong khi đó, tại đại lý Hạnh Thành bán bánh kẹo, lương thực, thực phẩm thuộc phường La Khê, quận Hà Đông, khách hàng đến mua sắm hàng hóa không đông. Chị Nguyễn Thị Hạnh, chủ cửa hàng cho biết: Hiện tại các mặt hàng bán tại đại lý vẫn dồi dào, giá cả giữ nguyên như những ngày trước đó. Thông tin cho rằng các đại lý găm hàng, đẩy giá lên cao là hoàn toàn sai sự thật.

Cam kết đủ hàng phục vụ người dân

Ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc vùng Hà Nội, siêu thị Big C cho biết: “Hệ thống siêu thị Big C luôn lường trước tình huống nhu cầu mua sắm tăng lên, do đó lượng dự trữ hàng hóa đã tăng gấp 3-4 lần. Ngay trong ngày 7-3, chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp tăng cường tần suất giao hàng, đồng thời tăng nhân viên làm việc tối đa. Chúng tôi cam kết tiếp tục bình ổn giá, không tăng giá bán hàng hóa thực phẩm thiết yếu; bảo đảm đủ hàng cung cấp trong vài tuần tới, phục vụ nhu cầu khách hàng”.

Chiều 7-3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp khẩn về bảo đảm nguồn cung nhu yếu phẩm và sản phẩm y tế cho người dân. Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã xây dựng các kịch bản cung ứng hàng hóa ứng phó với nhiều tình huống của dịch Covid-19. Bộ sẵn sàng kích hoạt vận hành theo kịch bản nếu thực tế đòi hỏi.

Thông tin tại đây, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, việc buổi sáng cùng ngày nhiều người dân đổ tới các siêu thị tại Hà Nội mua đồ tích trữ chỉ là hiện tượng cục bộ khi tâm lý người dân hoang mang trước thông tin Hà Nội có ca nhiễm dịch Covid-19 đầu tiên. Bà Trần Thị Phương Lan một lần nữa khẳng định: “Hà Nội cam kết đủ hàng, không ngày nào thiếu để người dân phải dự trữ”. Theo bà Lan, lượng hàng hóa thiết yếu đưa từ các địa phương về Hà Nội đã được tăng cường gấp 3-4 lần trong ngày 7-3. 

Ngay trong ngày 7-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và các doanh nghiệp cung ứng lương thực, thực phẩm cung cấp đủ hàng hóa cho các hệ thống siêu thị và cửa hàng ở Hà Nội, không để thiếu hàng hóa.

Thủ tướng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, tích trữ, nâng giá trái pháp luật. Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tập đoàn DABACO và Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cung cấp đủ gạo, thực phẩm cho các đại lý bán lẻ ở Hà Nội. Thủ tướng cũng yêu cầu hệ thống các đại lý bán lẻ mở cửa bán gạo đến 23h hằng ngày để đáp ứng nhu cầu mua bán của nhân dân Thủ đô.

Với thực tế nguồn hàng, kế hoạch bảo đảm cung ứng cùng sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và chính quyền các cấp, sau "cơn sốt do tâm lý", thị trường hàng tiêu dùng thiết yếu ở Hà Nội nhất định sẽ ổn định. Người dân Thủ đô nên bình tĩnh trong mua sắm để tránh gây lãng phí cho mình cũng như tạo bất ổn cho thị trường.

;
Bình luận
Họ tên :
Email :
Lời bình :
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper 
 
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
Mobile
TieuDe
Nhập mã bảo mật :  
Gửi bình luận
     
Mới nhất | Cũ nhất
Không tìm thấy bản ghi nào

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Phòng, chống dịch Covid-19: Siêu thị cam kết đảm bảo đủ hàng, không tăng giá

Doanh nghiệp bán lẻ Hà Nội cam kết đảm bảo đủ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm tươi sống cung ứng cho thị trường trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Đó là khẳng định của các DN bán lẻ tại cuộc họp khẩn cấp gấp về tình hình cung ứng hàng hóa tại Hà Nội do Bộ Công Thương tổ chức chiều 7/3.

Link bài gốc http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/960476/khong-nen-nghe-loi-don-mua-tich-tru-hang-hoa

Scroll

Kênh thông tin giới trẻ - gioitrenews.com