Làm một ngày ăn cả tháng: Dân buôn hàng Trung Quốc kiếm đậm nhờ lễ độc thân
Kinhte&Xahoi
Với dân buôn hàng Trung Quốc, ngày lễ độc thân 11/11 là dịp hái ra tiền khi các chương trình khuyến mại, giảm giá diễn ra liên tục. Nhiều người còn tranh thủ nhập cả trăm triệu đồng tiền hàng về bán.
Lễ độc thân 11/11 được coi là ngày đặc biệt với chị Phương Yến, một dân buôn hàng Trung Quốc. Bởi ngày 11/11 ở Trung Quốc được coi là đại tiệc mua sắm khi các mặt hàng từ cao cấp đến bình dân đồng loạt giảm giá với ưu đãi cực khủng.
Để chuẩn bị cho ngày lễ, chị Yến phải huy động toàn bộ nhân viên tăng ca để tiếp nhận đơn, xử lý hàng order cho khách. Theo tiết lộ, chỉ tính riêng ngày lễ độc thân năm trước, chị nhập về hơn 200 triệu đồng tiền hàng.
Lễ độc thân 11/11 được coi là đại tiệc mua sắm của nhiều người tiêu dùng
"Ngày lễ độc thân được coi là dịp hái ra tiền của dân buôn hàng Trung Quốc khi các chương trình khuyến mại, giảm giá diễn ra liên tục. Nhân cơ hội này, chúng tôi có thể ôm, tích trữ hàng để bán cho cả mùa. Hai là nhận order thuê, bán lại cho các tiểu thương nhỏ lẻ để ăn chênh lệch hoa hồng" - chị tiết lộ.
Chị Yến thông tin, các địa chỉ truy cập mà dân buôn yêu thích trong ngày lễ độc thân thường là Alibaba, Taobao, 1688, Tmall. Trong đó, mỗi trang thương mại điện tử sẽ quy định cách thức mua hàng, thanh toán khác nhau.
"Đa phần, các sàn sẽ đều thanh toán bằng thẻ nội địa. Thế nên, dân buôn phải thông qua một bên thứ 3 có tài khoản ngân hàng ở Trung Quốc. Thông thường, phía cho thuê tài khoản sẽ cung cấp cả gói dịch vụ cho mượn địa điểm giao nhận hàng" - chị kể.
Theo chị Yến, hàng sau khi đặt thành công sẽ được chuyển về địa chỉ giao nhận ở Trung Quốc. Sau đó, bên trung gian sẽ phân loại hàng, đóng thành từng kiện gửi theo đường bộ lên các container về Việt Nam. Tùy vào tốc độ vận chuyển, hàng sẽ cập bến tại kho bãi sau 15 ngày, nếu không bị tắc biên hay gặp sự cố.
Bảng giá vận chuyển hàng Trung Quốc về Việt Nam (từ Bằng Tường chuyển về Hà Nội)
Cũng vào những ngày này, Nguyễn Hương, một du học sinh Việt Nam ở Trung Quốc cũng tấp nập lên đơn, nhận order hàng cho khách. Như ngày lễ độc thân năm trước, nhờ chăm chỉ săn hàng, chị thu về 50 triệu đồng tiền lãi.
"Tôi đã làm công việc đặt hàng thuê được 3 năm, đa phần là nhận order cho các cửa hàng ở Việt Nam. Họ chỉ cần gửi mẫu, báo số lượng, thời gian, địa điểm nhận hàng và gửi tiền cọc, còn đâu, tôi lo tất" - chị kể.
Tuy nhiên, chị cho biết, công việc săn hàng không hề đơn giản. Đôi khi chỉ cần đặt hàng muộn nửa giây là hàng đã về tay chủ khác. Thế nên, để gia tăng tỷ lệ đặt hàng thành công, vào trước ngày hội, người mua phải truy cập, chọn sẵn sản phẩm muốn mua.
Một số cửa hàng ở Việt Nam cũng tung ra các chương trình khuyến mại trong ngày lễ
Ngoài ra, chị Hương còn cho rằng, người săn hàng phải luôn cập nhật tin tức, bởi qua mỗi năm, các trang mua sắm đều có sự thay đổi cách thức giao dịch. Đơn cử như năm trước, một số thương hiệu lớn ở Trung Quốc cho phép người mua đặt cọc tiền trước từ 10 - 150 tệ để giữ hàng.
"Hơn nữa, việc mở nhiều tài khoản ngân hàng với dân buôn là điều cần thiết, để đến cận ngày lễ thì sẽ đồng loạt rải đơn trên nhiều sàn giao dịch. Và thời điểm săn hàng lý tưởng nhất trong ngày 11/11 là từ 0 - 2 giờ sáng" - chị chia sẻ.
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Ly, chủ cửa hàng gia dụng ở Hà Nội cho biết, để có được mức giá hời thì người tiêu dùng phải có chiến lược mua bán hiệu quả. Ví dụ như trước giờ mở bán phải đưa hết sản phẩm muốn mua vào giỏ hàng, nhận hết mã giảm giá và nâng tài khoản lên thẻ VIP để lấy thêm nhiều ưu đãi.
Ngoài ra, chị còn dự báo, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên năm nay khâu vận chuyển sẽ có biến động ít nhiều. Thế nên, các chủ tiệm cần tính toán kỹ thời gian giao, trả hàng cho khách.
Ngày lễ độc thân 11/11 được bắt nguồn từ Trung Quốc, vào ngày này, người tiêu dùng sẽ được mua sắm với nhiều ưu đãi. Hiện nó được coi là ngày siêu mua sắm lớn nhất châu Á, sánh ngang với ngày Black Friday, Cyber Monday của các nước phương Tây.
|
Hoàng Dung - Theo Dân Trí