Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnamnet)
Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Sông Hồng (Song Hong Land) vừa báo cáo về ngày trở thành cổ đông lớn của Tổng công ty Cổ phần Sông Hồng (Mã UPCoM: SHG).
Theo đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Sông Hồng đã mua vào 13,23 triệu cổ phiếu SHG, tương đương 49% vốn cổ phần của Tổng công ty Sông Hồng và trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này từ ngày 28/12/2023.
Theo kết quả của phiên đấu giá, 2 nhà đầu tư đã mua toàn bộ hơn 13,24 triệu cổ phiếu SHG do Bộ Xây dựng bán đấu giá với giá 10.500 đồng/cổ phiếu, gấp khoảng 3 lần thị giá SHG giao dịch trên thị trường cùng thời điểm.
Trong đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Sông Hồng chính là nhà đầu tư tổ chức đã mua 13,23 cổ phiếu SHG, tương đương với số tiền đã bỏ ra là gần 139 tỷ đồng.
Trước đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Sông Hồng không nắm bất kỳ cổ phần SHG nào. Còn với việc chào bán thành công, Bộ Xây dựng thu về hơn 139 tỷ đồng và không còn là cổ đông của Tổng công ty Sông Hồng.
Đội ngũ cán bộ của Song Hong Land - Ảnh được đăng tải trên Báo Xây dựng vào tháng 1/2016 (Nguồn ảnh: Báo Xây dựng)
Theo công bố thông tin của Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Sông Hồng, doanh nghiệp này có địa chỉ trụ sở chính tại Tòa nhà văn phòng số 165 Thái Hà (Sông Hồng Parkview), phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Người đại diện pháp luật là Văn Diễm Hương.
Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, môi giới bất động sản, xây dựng công trình, dịch vụ ủy thác đầu tư, kinh doanh dịch vụ khu vui chơi, giải trí…
Một thông tin đáng chú ý, đó là Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Sông Hồng có các cổ đông sáng lập gồm chính Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng, CTCP Xây dựng Sông Hồng; CTCP Đầu tư kinh doanh BĐS Sông Hồng và CTCP Đầu tư xuất nhập khẩu Biển Bắc.
Tại Tổng công ty Sông Hồng, Bộ Xây dựng từng đại diện nhà nước sở hữu 49,04% vốn. Cơ quan này từng muốn thoái sạch phần vốn vào cuối năm 2020 nhưng cuối cùng bất thành
Tổng công ty Sông Hồng tiền thân là Công ty Kiến trúc Việt Trì, trực thuộc Bộ Xây dựng, được thành lập năm 1958.
Công ty này từng tham gia xây dựng hàng loạt công trình lớn ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như Sân bay Nội Bài (Hà Nội), Nhà máy Giấy Bãi Bằng (Phú Thọ), Sân bay Sao Vàng (Thanh Hoá), Nhà thi đấu đa năng TP. Đà Nẵng, dự án 165 Thái Hà (Hà Nội), Nhà thi đấu thể dục thể thao Nam Định, Dự án Khu nhà máy chính và khu hành chính - Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (Hà Tĩnh)...; các khu căn hộ chung cư ở Kim Liên, Giảng Võ (Hà Nội)...
Năm 2009, doanh nghiệp thực hiện đấu giá lần đầu (IPO) gần 7 triệu cổ phần với giá đấu giá thành công là 22.290 đồng/cổ phiếu (mặc dù giá khởi điểm chỉ là 14.000 đồng/cổ phiếu). Sau cổ phần hoá SHG, Bộ Xây dựng là đại diện cho 49,04% phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp này và tỷ lệ đó duy trì đến nay.
Sáu năm sau đó, cổ phiếu SHG lên sàn UPCoM (ngày 9/4/2015) với giá tham chiếu 7.000 đồng/cổ phiếu, giá đóng cửa 9.700 đồng/cổ phiếu.
Thế nhưng, đến nay, mã này đã rơi xuống mốc 2.500 đồng – 3.000 đồng/cổ phiếu. Lý do là, thay vì phát triển mạnh mẽ hơn sau cổ phần hoá, doanh nghiệp lại ngày càng sa sút, bết bát trong hoạt động kinh doanh.
Sau nửa đầu năm 2023, Tổng công ty Sông Hồng đạt doanh thu thuần chỉ hơn 3,8 tỷ đồng, giảm 83% so với cùng kỳ năm 2023.
Doanh thu không đủ bù đắp các chi phí, dẫn đến việc lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty âm tới 30,3 tỷ đồng.
Kết thúc nửa đầu năm 2023, Tổng công ty Sông Hồng ghi nhận khoản lỗ sau thuế lên đến 26,9 tỷ đồng.
Qua đó, nâng khoản lỗ lũy kế của Tổng công ty Sông Hồng tính đến thời điểm 30/6/2023 đã lên đến 1.292 tỷ đồng, khiến cho vốn chủ sở hữu của Công ty âm 986 tỷ đồng.
Tính đến hết quý 2/2023, Công ty ghi nhận nợ phải trả là 1.971 tỷ đồng, trong đó phần lớn đến từ chi phí phải trả ngắn hạn là 912 tỷ đồng; vay và nợ thuê tài chính là hơn 313 tỷ đồng.
Lê Hải - Pháp luật Plus