Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi ích từ UKVFTA đòi hỏi các DN Việt Nam phải chủ động tiếp cận, nắm vững luật chơi mới có thể vượt qua những rào cản của thị trường khổng lồ này.
Xuất khẩu tăng mạnh, dư địa lớn
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, 5 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Anh đạt hơn 1,63 tỷ USD. Trong đó, cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư hơn 1,3 tỷ USD. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Anh đạt 2,36 tỷ USD, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều mặt hàng tăng trưởng ấn tượng như: Điện thoại các loại và linh kiện đạt trên 550 triệu USD, chiếm 23,3% tỷ trọng xuất khẩu; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt hơn 306 triệu USD, tăng 55,1%; giày dép các loại đạt gần 263 triệu USD, tăng 24,1%…
Bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Công Hùng
Đây là mức tăng trưởng thực sự ấn tượng trong bối cảnh xuất khẩu sang nhiều bạn hàng lớn gặp khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Tín hiệu đầy lạc quan này càng ý nghĩa khi UKVFTA có hiệu lực chính thức từ 1/5/2021 hứa hẹn tiếp tục tạo ra động lực mới cho hợp tác kinh tế - thương mại trong thời gian tới.
Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu hàng hóa sang Anh, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) Tạ Hoàng Linh nhận định, nhiều mặt hàng có trị giá xuất khẩu hàng chục tỷ USD mỗi năm của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ… còn nhiều dư địa tăng trưởng. Bởi, theo cam kết trong UKVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) vào Anh được giảm từ mức thuế cơ bản 10 - 20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Với mặt hàng hoa quả, khi Hiệp định có hiệu lực hơn 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả có mức thuế suất 0.
"Đây đều là những ngành hàng có nhiều cơ hội nâng cao giá trị xuất khẩu, tỷ trọng trong cơ cấu thị trường thông qua nhiều ưu đãi về thuế quan trong UKVFTA. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như: Vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… sẽ có thêm lợi thế tiếp cận thị trường trong bối cảnh các loại hoa quả nhiệt đới xuất xứ từ các quốc gia cạnh tranh như: Brasil, Thái Lan, Malaysia… đều chưa có hiệp định thương mại tự do với Anh” - ông Tạ Hoàng Linh nhấn mạnh.
Tuân thủ luật chơi, nâng chất lượng sản phẩm
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, UKVFTA đặt ra những thách thức trong việc tận dụng cam kết cũng như sức ép đối với thị trường trong nước. Những cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho Anh sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định cho nền kinh tế, DN và hàng hóa, dịch vụ trong nước, đặc biệt là trong những ngành Anh có thế mạnh như dịch vụ tài chính, dược phẩm, các mặt hàng hóa chất…
Bên cạnh đó, rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía Anh là rất chặt chẽ. Đơn cử như với mặt hàng nông sản, dù UKVFTA có những ưu đãi với nhiều quy định SPS linh hoạt trong EVFTA, nhưng đa số ngành hàng nông sản của nước ta vẫn vấp phải những hạn chế do thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng; trong khi đó khâu thu hoạch, bảo quản chưa tốt nên chất lượng còn hạn chế.
Để khai thác hiệu quả lớn từ UKVFTA, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, việc mà các DN Việt Nam cần làm ngay là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường. Song song với đó, DN cần chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý; coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh.
Theo Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Anh Nguyễn Cảnh Cường, hiện nay, các siêu thị và tập đoàn bán lẻ lớn của Anh có xu hướng chuyển dần sang đặt hàng trực tiếp của nhà sản xuất uy tín để đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm sự sáng tạo, cũng như để kiểm soát tốt hơn nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Do đó, các DN Việt Nam nên đăng ký để trở thành nhà cung cấp cho các siêu thị lớn của Anh thông qua hướng dẫn trên website của họ. Đáng lưu ý, cách hiệu quả nhất đối với các DN Việt Nam để xâm nhập thị trường là tìm kiếm các công ty thương mại hoặc nhà phân phối cho sản phẩm của mình qua các trang www.ukdirectory.co.uk hoặc www.esources.co.uk là những địa chỉ cung cấp thông tin DN Anh uy tín.
"Việt Nam và Vương Quốc Anh đã thống nhất cần sớm tổ chức Khóa họp lần thứ 12 Ủy ban hỗn hợp Việt – Anh về hợp tác kinh tế, thương mại (JETCO 12) để kết nối lại giao thương, thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư sau thời gian gián đoạn do tác động của dịch bệnh. Dự kiến khóa họp JETCO 12 sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào cuối tháng 9/2021." - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Ánh Ngọc - Theo KTĐT