Xem nhiều

Ngành thép vượt qua "cơn bĩ cực", liệu đã đến "hồi thái lai"?

11/05/2023 10:42

Kinhte&Xahoi Theo VnDirect, lợi nhuận cốt lõi của các công ty thép được kỳ vọng sẽ dương trong quý 2/2023. Tuy nhiên triển vọng nửa cuối năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn.

Kết thúc năm 2022, Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) đánh giá thị trường thép trong nước đã trải qua loạt  thách thức khó khăn và dự kiến tăng trưởng âm so với năm 2021. Sản xuất thép thô cả năm ước đạt 23 triệu tấn, tương đương năm trước. Sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 31 triệu tấn, giảm khoảng 5% và tiêu thụ đạt gần 27,5 triệu tấn.

Từ quý II/2022 ngành thép bắt đầu bước vào chu kỳ đi xuống trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng, nhưng giá thép giảm, cộng thêm tác động từ tăng lãi suất, chênh lệch tỷ giá,… khiến kết quả kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp thuộc ngành thép sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ kéo dài trong năm trước.

Dù vậy, bước sang năm 2023, khi giá thép bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, cùng việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, nhiều dự án xây dựng tiếp tục được triển khai là những tín hiệu đáng mừng, góp phần vào đà phục hồi, tạo đòn bẩy cho các doanh nghiệp thép trong năm 2023.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành thép vừa công bố, Chứng khoán VnDirect kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp ngành thép trong quý 2/2023 sẽ tiếp tục được cải thiện so với quý trước đó.

“Tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ vẫn sẽ yếu trong suốt cả năm 2023 và sẽ phải rất nỗ lực thì nhóm các công ty này mới có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm”, Báo cáo của VnDirect nhận định.

Nhu cầu tiêu thụ còn yếu, khó khăn chưa qua đi

Theo VnDirect, triển vọng ngành bất động sản dân dụng ảnh hưởng lớn nhất đến nhu cầu ngành thép Việt Nam khi chiếm khoảng 60 - 65% nhu cầu toàn ngành.

Ngày 03/04/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, góp phần tạo cơ sở giải quyết các nút thắt pháp lý.

“Tuy nhiên chúng tôi cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá thị trường bất động sản liệu có sớm “rã đông” khi hiệu quả thực tế triển khai các chính sách vẫn còn bỏ ngỏ và nhiều điểm nghẽn vẫn chưa được giải quyết triệt để”, Báo cáo của VnDirect viết.

Số liệu: VnDirect

Chứng khoán VnDirect đưa ra kỳ vọng nguồn cung bất động sản nội địa sẽ chỉ có thể được hồi phục từ năm 2024:

Thứ nhất, Luật Đất đai sửa đổi được thông qua tháo gỡ hàng loạt, đồng bộ các nút thắt pháp lý.

Thứ hai, áp lực tài chính, lãi suất được giảm bớt khi các ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn cũng như kích cầu người mua nhà. Điều này dẫn tới việc nhu cầu thép Việt Nam sẽ chỉ phục hồi mạnh mẽ từ năm 2024.

Nhu cầu ảm đạm kéo dài của lĩnh vực xây dựng dân dụng nội địa sẽ tác động đáng kể đối với nhu cầu vật liệu xây dựng trong năm 2023.

Do đó, mặc dù giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong những quý tới, dự báo tổng nhu cầu thép trong nước sẽ tăng trưởng âm một chữ số vào năm 2023.

Cụ thể, tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng - tôn mạ của Việt Nam trong năm 2023 sẽ giảm lần lượt 9,2%-7,0% so với cùng kỳ xuống mức 9,5 triệu tấn – 3,9 triệu tấn.

VNDirect cho biết tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023 của một số doanh nghiệp thép niêm yết, hầu hết ban lãnh đạo nhóm doanh nghiệp này đều đưa ra thông điệp rằng: những gì khó khăn nhất đối với ngành thép đã diễn ra trong nửa cuối năm 2022, tình hình đã được cải thiện trong quý 1/2023 và gần như chắc chắn sẽ có lãi trong quý 2/2023.

Bên cạnh đó, tất cả các công ty đều đặt kế hoạch kinh doanh 2023 có lãi ròng trở lại, tích cực hơn rất nhiều so với việc liên tiếp báo lỗ trong nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên VNDirect lưu ý nhu cầu tiêu thụ vẫn sẽ yếu trong suốt cả năm 2023 và sẽ phải rất nỗ lực thì nhóm các công ty này mới có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm.

Tốc độ phục hồi của doanh nghiệp ngành thép còn chậm

Đối với một số doanh nghiệp thuộc ngành Thép đang niêm yết trên thị trường chứng khoán, báo cáo của VNDirect có điểm qua kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp lớn như Hòa Phát, Hoa Sen hay Thép Nam Kim...

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Công luận)

Cụ thể, đối với Tập đoàn Hoà Phát (HPG): Lợi nhuận ròng quý 1/2023 của Tập đoàn Hoà Phát ghi nhận lãi 397 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ ròng 1.992 tỷ đồng trong quý 4/2022.

Tuy nhiên, nếu loại bỏ khoản hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 948 tỷ đồng và lãi tỷ giá 69 tỷ đồng, lợi nhuận cốt lõi của công ty trong quý 1/2023 vẫn lỗ 485 tỷ đồng.

Biên lợi nhuận gộp cốt lõi trong quý 1/2023 (lãi 728 tỷ đồng) đã được cải thiện so với quý trước (lỗ 452 tỷ đồng) đó nhờ giá bán thép trung bình đã tăng lên.

Theo công bố của Tập đoàn Hòa Phát, lũy kế 4 tháng, doanh nghiệp đã sản xuất gần 1,8 triệu tấn thép thô, giảm 39% so với cùng kỳ 2022.

Sản lượng bán hàng phôi thép, thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao, HRC đạt hơn 1,8 triệu tấn, giảm 34% so với 4 tháng đầu năm 2022. Cụ thể, thép xây dựng đạt hơn 1 triệu tấn, giảm 34%. HRC ghi nhận 721.000 tấn, giảm 29%.

Trong khi đó, với Tập đoàn Hoa Sen (HSG): Lợi nhuận ròng quý 1/2023 lãi 251 tỷ đồng (tăng 7,1% so với quý 1/2022) chủ yếu do hoàn nhập dự phòng hàng tồn kho. Nếu loại trừ khoản khoản hoàn nhập này, lãi/lỗ tỷ giá và thu nhập khác, lợi nhuận cốt lõi của công ty trong quý 1/2023 sẽ lỗ 255 tỷ đồng (quý 1/2022 lãi 193 tỷ đồng), cải thiện so với khoản lỗ 719 tỷ đồng của quý 4/2022.

Mặc dù vậy, kết quả kinh doanh này vẫn gây thất vọng do trước đó tại ĐHCĐ thường niên hồi tháng 2/2023, chủ tịch HSG đã ước tính lợi nhuận cốt lõi của công ty trong Q1/23 là 50 tỷ đồng.

Lũy kể nửa đầu niên độ tài chính 2022 - 2023, HSG ghi nhận lỗ ròng 429 tỷ đồng và sẽ bị loại ra khoải danh sách cho vay ký quỹ của HOSE (ban hành sớm nhất là trong tháng 5/2023).

Ban lãnh đạo HSG cho biết, công ty đang có tổng đơn hàng xuất khẩu là hơn 100.000 tấn và sẽ lần lượt giao hàng đến hết tháng 6/2023. HSG đặt kế hoạch tiêu thụ (cả nội địa và xuất khẩu) khoảng 120.000 tấn/tháng trong phần còn lại của năm, cao hơn 10% so với tháng 3/2023.

Thép Nam Kim (NKG): Lợi nhuận cốt lõi của công ty là lỗ 241 tỷ đồng (giảm nhẹ so với mức lỗ 372 tỷ đồng trong quý 4/22), cao hơn đáng kể so với khoản lỗ ước tính trong Đại hội đồng cổ đông thường niên là 50 tỷ đồng.

Mặc dù, Thép Nam Kim là một trong số ít công ty thép niêm yết ghi nhận sản lượng tiêu thụ quý 1/2023 tăng so với quý trước đó, tuy nhiên tốc độ hồi phục lợi nhuận của công ty lại chậm hơn. Thép Nam Kim vẫn ghi nhận lỗ lợi nhuận gộp trong quý 1/2023 chủ yếu do lượng hàng tồn kho cao tại cuối năm 2022.

Tại ĐHCĐ 2023, ban lãnh đạo NKG cho biết công ty đã kí hợp đồng xuất khẩu với khách hàng cho tới tháng 6/2023 và sẽ đảm bảo sẽ có lãi ròng trong Q2/23 nhờ giá bán bình quân và sản lượng điều được cải thiện so với quý trước đó. 

Lê Hải - Ngọc Huy - Pháp luật Plus

;
Bình luận
Họ tên :
Email :
Lời bình :
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper 
 
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
Mobile
TieuDe
Nhập mã bảo mật :  
Gửi bình luận
     
Mới nhất | Cũ nhất
Không tìm thấy bản ghi nào

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/nganh-thep-vuot-qua-con-bi-cuc-lieu-da-den-hoi-thai-lai-d193453.html

Scroll

Kênh thông tin giới trẻ - gioitrenews.com