Nhà Mộc nhiều đời “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, giàu thì không nhưng lúa gạo, khoai sắn khi nào cũng đầy bồ, ao tôm ao cá, gà vịt... lúc nào cũng sẵn sàng.
Dịch họa ập tới, cả làng sốt sắng mua mì tôm, nước tương tích trữ, nhà hàng xóm có mấy đứa con làm công ty ở trên phố cũng “toang” nên dắt díu bầu đoàn về lánh nạn...
Riêng vợ Mộc chắc mẩm “ai chết thì chết, nhà tôi còn lâu”. Mà chẳng sai, lương thảo, cá tôm, vịt gà đông như quân Nguyên như thế chết sao được!
Cạnh nhà Mộc lại có gia đình đông con, đất đai bát ngát, được tiếng giàu có nhưng dịch dã kiểu này đàn con ngồi ăn núi lở. Thế là nó hỏi thăm mua lúa của nhà Mộc, để làm gì thì có trời biết!
Vợ Mộc muốn bán bớt vì lý do thóc lúa đầy nhà không sợ thiếu, lại có mấy mẫu lúa sắp chín, mùa này thu hoạch cũng được kha khá. Thế là gã nhà giàu cứ cho người sang khuân vác rồng rắn liên tục suốt 2 tháng trời.
Bỗng đâu đứa con cả hóng đâu được thông tin trên mạng “phải đảm bảo cái ăn cho 104 triệu người trong lúc kinh tế trì trệ”. Thế là nó bắt đầu bàn với mấy đứa em đồng loạt phản đối bà Mộc chuyện bán lúa.
Họ hàng quen biết gần xa xúm lại đóng góp ý kiến, phân tích luận bàn đủ các kiểu, rằng thì là. Nhưng cuối cùng hai quan điểm “bán” và “không bán” vẫn chọi nhau dữ dội.
Gia đình nhà Mộc cãi nhau kịch liệt vì chuyện gạo cơm. Thằng con cả bỗng trở chứng đứng về phe ủng hộ “bán”. Khổ nỗi thằng con cả là lao động chính, tiếng nói có trọng lượng.
Hai lần thay đổi quyết định của thằng con cả khiến gia đình chao đảo. Nhưng cuối cùng, lấy ý kiến số đông - Mộc quyết định dừng bán lúa.
***
Nhân chuyện thằng con nhà hàng xóm là cử nhân kinh tế về quê lánh dịch, sang chơi. Nó bảo, dễ thôi ông Mộc ạ, ông xem gia đình ông mỗi bữa ăn hết bao nhiêu gạo, cứ thế nhân lên, thế là ra số gạo cần dùng cho 1 tháng, 2 tháng hoặc nhiều hơn...
Thêm nữa, nó còn mách nước. Ông dự tính mùa này mấy mẫu ruộng tuy không được mùa lắm nhưng sản lượng thu về là bao nhiêu, cộng dồn vào với cái dự trữ...
Sau đó tính toán số lượng cần dùng, còn bao nhiêu thì cứ việc bán thoải mái, lấy tiền về mua vàng tích trữ, hoặc cho mỗi đứa một ít. Để lúa làm gì cho mục, cho mọt ra mà tiền không có?
Nghe xong, Mộc vỗ đùi cái đét, mày nói chí lý. Có thế mà tao không thông được. Hóa ra cày ruộng cũng cần cái chữ quá nhỉ! Sau đận này tao phải cho thằng con cả đi học kinh tế như mày, lỡ mai có chuyện nó giúp cho cái hiểu biết.
Nó tiếp, tuy làm ruộng, nhưng giờ là kinh tế thị trường đấy ông Mộc ạ, mà kinh tế cốt ở cái thời cơ, ai nắm bắt được kẻ đó chiến thắng. Ông xem, cả làng này có ai nhiều lúa hơn nhà ông, chẳng lẽ ông cứ giữ khư khư ở đấy?
Những lúc như thế này, thế mạnh của nhà ông là hiếm có đấy. Ông xem, dịch vụ buôn bán, du lịch, giải trí, nhậu nhẹt, hàng không,...có thể không cần nhưng cái ăn không thể nào thiếu một bữa!
Như bác cả nhà tôi, chỉ buôn bán gạo trên phố mà xây được nhà lầu, tậu xe hơi cơ đấy. Mộc bán tín bán nghi, mày đùa tao đấy à? Ơ, thế ông có thấy chiếc xe hơi đời mới màu trắng toát đỗ bên sân nhà tôi không?
Mộc gần gù, thế giờ tao phải bán lúa như thế nào để giàu như bác cả mày? Nhân cơ hội này, ông đầu tư cái máy xay lúa, gạo bán cho cả làng, cám, tấm bán cho gia súc gia cầm, vỏ trấu dùng làm chất đốt...
Chổ lúa mấy chục tấn lúa trong nhà ông không ít tiền đâu đấy! Mà có tiền, vàng thì khỏi sợ đói nhé. Ông cứ làm đi rồi tôi chỉ cho cách bán lúa bài bản, giá cao hơn hiện tại nhiều lần!
Nghe đến đây, Mộc sướng rơn quăng cái ống điếu vùng chạy. Vừa chạy vừa kêu vừa hát: U mày ơi, sắp giàu rồi... sắp giàu rồi... Cái máy xay...là cái máy xay...í a...í...a...