Thời gian gần đây, có không ít vụ án nghiêm trọng, gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ, thậm chí là hàng trăm nghìn tỷ đồng trong lĩnh vực ngân hàng được các cơ quan chức năng phát hiện, điều tra và xử lý. Trong đó nổi lên 02 vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Đông Á (2020) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn SCB (2023).
Để rút ruột ngân hàng, các đối tượng (là lãnh đạo ngân hàng) đã bày binh bố trận, triển khai nhiều chiêu thức, thủ đoạn tinh vi. Tuy nhiên, tựu chung lại các hành vi phạm tội này đều thực hiện theo một mô típ chung là: Thao túng về tổ chức, nhân sự; chi phối hoạt động tín dụng; qua đó bẻ lái dòng vốn chảy vào các doanh nghiệp sân sau, thuộc hệ sinh thái của các cá nhân này. Trong đó, bước đầu tiên và được coi là quan trọng nhất là thao túng, lũng đoạn về tổ chức và nhân sự thông qua một nhóm cổ đông thân hữu.
Về trường hợp của SCB, để có nguồn vốn lớn phục vụ hoạt động của cac công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan đã tìm cách thâu tóm, chi phối, điều hành toàn bộ các hoạt động của ngân hàng này. Theo CQCSĐT, mặc dù trên danh nghĩa chỉ sở hữu hơn 4% cổ phần, nhưng bà Lan nhờ hàng chục cổ đông và cá nhân đứng tên sở hữu lên đến hơn 91,5% cổ phần SCB. bà Lan đã tuyển chọn, đưa người thân tín, có trình độ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nghe theo chỉ đạo của Lan vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt như HĐQT, Ban Tổng giám đốc, Giám đốc các chi nhánh lớn, Trưởng Ban kiểm soát và trả mức lương cao từ 200 - 500 triệu đồng/tháng, tặng, thưởng tiền, cổ phần SCB.
Bà Trương Mỹ Lan trước giờ tuyên án ngày 11/4/2024. (Ảnh: VNE)
Bằng thủ đoạn trên, bà Lan đã sử dụng Ngân hàng SCB như một công cụ tài chính, huy động tiền gửi và vốn từ các nguồn khác, sau đó chỉ đạo rút tiền bằng cách tạo lập các khoản vay khống, phục vụ cho mục đích cá nhân.
Bất chấp bản án nghiêm khắc của pháp luật dành cho Trương Mỹ Lan, một số cá nhân đang là lãnh đạo cá ngân hàng thương mại cổ phần dường như vẫn chưa rút được bài học kinh nghiệm, có nguy cơ tiếp tục đi vào vết xe đổ của bà chủ Vạn Thịnh Phát
Về trường hợp của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)
Những ngày gần đây, xuất hiện một số thông tin và tài liệu cảnh báo về "những rủi ro" và "nguy cơ sụp đổ" của Eximbank trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của Ngân hàng. Để dư luận không tiếp tục hoang mang, chúng tôi xin xin đưa ra và phân tích một số thông tin đã được chứng thực liên quan đến tình trạng của Eximbank hiện nay.
Theo các tài liệu mà chúng tôi có được, hiện có dấu hiệu một nhóm cổ đông "có sợi dây liên hệ" đang nỗ lực mở rộng ảnh hưởng tại ngân hàng này.
Theo danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn của Eximbank tính đến 20/10/2024, Công ty Cổ phần Tập đoàn Gelex (do ông Nguyễn Văn Tuấn làm Tổng giám đốc) là cổ đông lớn nhất sở hữu hơn 174,6 triệu cổ phiếu, tương đương 10% vốn điều lệ . Đứng thứ ba là Công ty Cổ phần Chứng khoán VIX với hơn 62 triệu cổ phiếu (3,58%).
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)
Đáng chú ý, dù không phải là công ty thành viên nhưng VIX lại là cái tên quen thuộc và có mối quan hệ khá "khăng khít" với Gelex của ông Nguyễn Văn Tuấn. Ông Tuấn cùng gia đình và công ty liên quan từng nắm giữ lượng lớn cổ phần tại VIX (thoái vốn vào năm 2022). Chị gái của ông Tuấn là bà Nguyễn Thị Tuyết từng giữ chức Chủ tịch HĐQT tại VIX; tuy nhiên đã từ nhiệm sau đó, nhưng hiện vẫn nắm giữ 4,98% vốn cổ phần công ty này (tại thời điểm ngày 03/7/2024).
Đầu tháng 1/2023, VIX thông báo đã mua thành công 15 triệu cổ phiếu Gelex, tương ứng 1,76% tổng số cổ phiếu đang lưu hành, qua đó tăng sở hữu tại Gelex lên 30 triệu cổ phần, tương đương 3,52% vốn điều lệ công ty.
Theo các chuyên gia tài chính, việc hai cổ đông có mối quan hệ với nhau là Gelex và VIX đang sở hữu tới 13,48% của Eximbank là dấu hiệu bất thường và “không lành mạnh”. Bởi không tự nhiên mà Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định một cổ đông là tổ chức không được sở hữu quá 10% vốn của ngân hàng (bao gồm cả sở hữu gián tiếp). Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, quy định này giúp tăng tính đại chúng của tổ chức tín dụng, tăng minh bạch thông tin và giám sát của đại chúng.
“Việc các cổ đông có quan hệ khá khăng khít, đồng thời sở hữu số lượng cổ phần lớn của một ngân hàng cổ phần là dấu hiệu của tình trạng bắt tay, sở hữu ngầm nhằm chi phối và thao túng hoạt động của ngân hàng”, một chuyên gia tài chính giấu tên đánh giá chung.
Trước đó, trong báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội khóa 15, kỳ họp thứ 3 vào cuối năm 2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết dù đã được khắc phục đáng kể nhưng tình trạng sở hữu vượt mức quy định vẫn còn do tình trạng nhờ đứng tên hộ để lách luật. Điều này dẫn tới việc tổ chức tín dụng có thể bị thao túng, chi phối bởi các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tổ chức tín dụng thiếu công khai, minh bạch đồng thời, việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh dấu hiệu "bất thường" trong quan hệ giữa 02 cổ đông chủ yếu nói trên, việc bố trí các nhân sự lãnh đạo của Eximbank cũng có dấu hiệu sắp đặt "không tự nhiên". Hai lãnh đạo cao nhất của Ngân hàng hiện nay là Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Cảnh Anh và Quyền Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Hải đều là “người cũ” của Công ty Tài chính cổ phần điện lực (EVN Finance).
Ông Nguyễn Cảnh Anh từng là Giám đốc Khối nguồn vốn của EVN Finance giai đoạn từ 10/2020 - 7/2023, còn ông Nguyễn Hoàng Hải có tới 11 năm làm tại EVN Finance và từng giữ vị trí CEO tại công ty này.
Và đặc biệt đáng chú ý, theo danh sách các cổ đông được EVN Finance công bố ngày 8/8/2024, VIX (một cổ đông chủ yếu của Gelex và Eximbank) cũng đang sở hữu 30.966.000 cổ phiếu, tương đương 4,4% vốn của công ty tài chính này.
Theo thông tin chúng tôi nhận được, kể từ khi nắm quyền điều hành Eximbank, ông Nguyễn Cảnh Anh và ông Nguyễn Hoàng Hải bị tố cáo đã chỉ đạo phê duyệt cấp hạn mức tín dụng một cách "dễ dãi" cho EVN Finance, nơi hai ông này đã từng giữ các vị trí lãnh đạo trước khi về Eximbank. Điều này cho thấy tình hình nhân sự tại Eximbank đã được tính toán, sắp đặt một cách "có ý đồ" rõ nét.
Các lãnh đạo chủ chốt của Eximbank: ông Nguyễn Cảnh Anh, ông Nguyễn Hoàng Hải, ông Trần Anh Thắng và bà Doãn Hồ Loan (theo thứ tự từ trái qua phải) (Ảnh: Eximbank).
Ngoài ra, quyết định bổ nhiệm lại ông Nguyễn Hoàng Hải giữ vị trí Quyền Tổng giám đốc Eximbank trong thời hạn 03 năm (có hiệu lực từ ngày 03/10/2024) không được sự nhất trí từ toàn bộ thành viên Hội đồng Quản trị. Thực tế này cho thấy đã có những tâm lý không đồng tình với cách thức ông Hải và ông Cảnh Anh điều hành Eximbank thời gian qua. Điều đáng nói là những tâm lý và tiếng nói không đồng tình này đều xuất phát từ lợi ích chung, chính đáng của ngân hàng.
Cũng theo thông tin chúng tôi thu thập được, hiện ban lãnh đạo Eximbank (dưới quyền chỉ đạo của một số cá nhân) đang có chủ trương chuyển trụ sở của Ngân hàng từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội (nhiều khả năng là tòa nhà Gelex Tower ở 27-29 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Chủ trương này sẽ được bàn thảo ở Đại hội Cổ đông bất thường vào tháng 11.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, dù chưa được triển khai, nhưng chủ trương cực kỳ bất thường và khiến nhiều người không khỏi hoài nghi về mục đích, tính hiệu quả và tính nhân văn của nó, bởi lẽ 65% - 70% doanh thu của ngân hàng Eximbank đến từ thị trường phía nam và tuyệt đại đa số các nhân sự tại trụ sở này hiện đang sinh sống ổn định tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Vệc chuyển trụ sở Ngân hàng từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Thành phố Hà Nội có nguy cơ hiện hữu gây thất nghiệp cho hàng nghìn nhân sự.
“Việc chuyển trụ sở một công ty với hàng nghìn nhân sự đang sinh sống làm ăn ổn định tại Thành phố Hồ Chí Minh tới một địa điểm cách đó hàng nghìn km nhiều khả năng là nhằm mục đích buộc các nhân sự ngoài phe nhóm với lãnh đạo phải nghỉ việc và bố trí các nhân sự mới thuộc phe nhóm để qua đó dễ bề thao túng công ty”, một chuyên gia lao động việc làm phân tích, đề cập tới một công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính khác.
Quản trị nguồn nhân lực trong hoạt động ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của các ngân hàng. Hiện nay, vấn đề quản trị nguồn nhân lực trong hoạt động ngân hàng vẫn còn tồn tại những hạn chế, khó khăn nhất định, điều này đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của các ngân hàng.
Thiết nghĩ, để sớm ổn định và đưa hoạt động của Eximbank vào đúng quỹ đạo vốn có, bảo đảm quyền lợi cho cổ đông và khách hàng gửi tiền, đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ những dấu hiệu bất thường về nhân sự tại Ngân hàng này, qua đó đảm bảo tốt việc quản trị nguồn nhân lực, sớm phát hiện và ngăn chặn những sai phạm (nếu có).
Còn tiếp...
nguonluc.com.vn