Huy động 2.200 tỷ đồng trái phiếu cho dự án Cát Bà Amatina
Ngày 10/6/2021, Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - mã chứng khoán: VCG) vừa công bố quyết định của Hội đồng quản trị (HĐQT) về việc phê duyệt phương án phát hành riêng lẻ trái phiếu Vinaconex.
Vinaconex dự kiến phát hành 2.200 tỷ đồng trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Kỳ hạn của trái phiếu phát hành có 10 loại, trong khoảng từ 30 - 84 tháng.
Hình ảnh có tính chất minh họa. (Nguồn: Vinaconex)
Loại trái phiếu phát hành là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có bảo đảm. Dự kiến Vinaconex sẽ phát hành trong quý 2 và quý 3/2021 với mục đích nhằm tăng quy mô vốn hoạt động phục vụ kinh doanh cho Tổng công ty.
Cụ thể hơn, Vinaconex cho biết sẽ sử dụng được nguồn tiền huy động được để bổ sung vốn tham gia hợp tác đầu tư cùng Công ty CP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex - ITC) phát triển Phân khu cao tầng CT02 và các hạng mục hạ tầng của Dự án Cát Bà Amatina.
Về dự kiến lãi suất danh nghĩa, mức lãi suất dự kiến áp dụng cho 4 kỳ điều chỉnh lãi suất đầu tiên (tương ứng 12 tháng đầu tiên kể từ ngày phát hành) sẽ là 8,5%.
Sau đó, mức lãi suất áp dụng cho các kỳ điều chỉnh lãi suất tiếp theo sẽ được xác định bằng lãi suất tham chiếu công thêm biên độ 3,0 %/năm.
Trong đó, lãi suất tham chiếu được xác định bằng bình quân lãi suất huy động tiền gửi/tiết kiệm bằng VND áp dụng đối với khách hàng cá nhân, kỳ hạn 12 tháng thông thường, thanh toán cuối kỳ.
Vị trí dự án Cát Bà Amatina. (Ảnh: Cafef)
Theo Quyết định của Vinaconex, biện pháp đảm bảo cho các nghĩa vụ liên quan đến trái phiếu sẽ bao gồm:
Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đã, đang và sẽ hình thành trong tương lai, cùng toàn bộ quyền tài sản thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex tại các thửa đất có tổng diện tích khoảng 12,73 ha nằm trong Khu đô thị du lịch Cái Giá của dự án Cát Bà Amatina.
Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo còn gồm toàn bộ quyền và lợi ích phát sinh mà Vinaconex sẽ được hưởng từ hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex phát triển Phân Khu CT02 và các hạng mục hạ tầng của dự án Cát Bà Amatina.
Ngoài ra, các tài sản khác sẽ được bổ sung hoặc thay thế tại từng thời điểm trên cơ sở thỏa thuận với các bên tham gia.
Nợ phải trả của Vinaconex gần gấp đôi vốn chủ sở hữu
Về hoạt động kinh doanh, trong Báo cáo tài chính quý 1/2021, Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) ghi nhận doanh thu 952 tỷ đồng, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, hoạt động xây lắp chiếm 48% tổng doanh thu, đạt hơn 454 tỷ đồng giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhờ giá vốn hàng bán giảm mạnh hơn mức giảm của doanh thu đã giúp lãi gộp tăng 44%, lên 154 tỷ đồng.
Đáng nói, trong quý 1/2021, các khoản chi phí của Vinaconex đều giảm mạnh. Kết quả, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế 345,3 tỷ đồng, tăng 441,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo lý giải của Vinaconex, nguyên nhân lãi tăng mạnh là do công ty thu được lợi nhuận cao từ việc chuyển nhượng vốn đầu tư tại một số công ty con.
Tính đến 31/3/2021, tổng tài sản của Vinaconex ở mức hơn 21.497 tỷ đồng, tăng 10% so với hồi đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn gần 9.750 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm; hàng tồn kho 2.474 tỷ đồng.
Cũng tại thời điểm cuối tháng 3/2021, tổng nợ phải trả của Vinaconex ở mức hơn 13.804 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn hơn 10.210 tỷ đồng, tăng 14%; nợ dài hạn gần 3,594 tỷ đồng, tăng 4%.
Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu của Vinaconex ở mức 7.693 tỷ đồng, tức chỉ bằng phân nửa so với tổng nợ phải trả lên đến hơn 13.804 tỷ đồng của công ty.
Nợ phải trả gần gấp đôi vốn chủ sở hữu của Vinaconex
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2021, Vinaconex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 12.230 tỷ đồng, tăng 41% so với kết quả thực hiện năm 2020, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.008 tỷ đồng giảm 40% so với thực hiện 2020.
Như vậy với kế hoạch này kết thúc quý 1/2021, Vinaconex mới hoàn thành được 7,8% mục tiêu về doanh thu nhưng đã hoàn thành được 34% mục tiêu về lợi nhuận.
Trên thị trường, tính đến 9h15 ngày 14/6, cổ phiếu VCG đứng ở mức giá tham chiếu là 46.000 đồng/cổ phiếu.
Xoay sở để tìm vốn cho "siêu dự án" ở Cát Bà
Theo giới thiệu từ Vinaconex trên website của Công ty, Dự án Cát Bà Amatina nằm ở thị trấn Cát Bà và xã Trân Châu, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng, do Vinaconex - ITC làm chủ đầu tư có quy mô 172 ha.
Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 10.941 tỷ đồng (theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần 3).
Dự án Cát Bà Amtina bắt đầu triển khai từ năm 2009. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên dự án bị đình trệ suốt nhiều năm.
Cụ thể, ngày 25/10/2017, UBND TP Hải Phòng ra Quyết định thu hồi đất do Vinaconex - ITC đang quản lý tại thị trấn Cát Bà, xã Trân Châu giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý.
Trước tình hình trên, ngày 12/4/2018, Vinaconex - ITC đã có văn bản khiếu nại và đề nghị TP Hải Phòng xem xét hủy bỏ quyết định thu hồi phần lớn diện tích đất tại dự án nói trên.
Sau đó, nhận thấy quyết định thu hồi gần 156 ha đất tại dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá theo Khoản 1, Điều 65, Luật Đất đai năm 2013 là chưa đủ căn cứ, UBND TP Hải Phòng đã giao các sở, ban, ngành của thành phố nghiên cứu, đề xuất thủ tục hủy bỏ quyết định thu hồi gần 156 ha đất tại dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá.
Được biết, vào ngày 21/11/2020, chủ đầu tư là Vinaconex - ITC đã tổ chức Lễ khởi động dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá, Cát Bà - Cát Bà Amatina.
Phối cảnh tại dự án Cát Bà Amatina (Ảnh: Vinaconex)
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 của Vinaconex - ITC tổ chức vào 22/3/2021, ông Dương Văn Mậu, Chủ tịch HĐQT Vinaconex - ITC cho biết, HĐQT Công ty đã quyết định sẽ phát triển Cát Bà Amatina thành khu đô thị du lịch hiện đại, thân thiện với môi trường, và đặt kế hoạch bán căn hộ, sản phẩm thật, khi đã có pháp lý đầy đủ chặt chẽ, chứ không huy động vốn sớm.
Với tiến độ như vậy, tới năm 2022, Vinaconex - ITC mới bắt đầu có doanh thu từ dự án này.
Theo kế hoạch dự tính, Vinaconex - ITC cần thêm khoảng 2.000 tỷ đồng để đầu tư cho dự án. Sau khi tăng vốn điều lệ lên 1.800 tỷ đồng, hiện Công ty tiếp tục làm việc với các tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư có năng lực tài chính để đảm bảo các phương án vốn cho dự án.
Đại hội cũng đã thông qua tờ trình hợp tác giữa Vinaconex - ITC và Vinaconex để phát triển dự án Cát Bà Amatina. Việc hợp tác này sẽ không hình thành pháp nhân mới, Vinaconex - ITC là bên đứng lên hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan đến đầu tư, thi công xây dựng và kinh doanh dự án.
Trước đó, theo báo cáo tài chính năm 2020, Vinaconex đã giảm tỷ lệ sở hữu tại Vinaconex - ITC từ 53,56% xuống 10,71% vốn điều lệ, không còn là công ty mẹ của Vinaconex - ITC.
Cổ đông cũng thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021, với tổng doanh thu đạt 159 tỷ đồng, tăng gần 22.000% so với năm 2020 khi doanh thu chỉ đạt 0,73 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế dự kiến lỗ 2,64 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số lỗ 14,54 tỷ đồng năm 2020.
Những động thái huy động vốn cho dự án Cát Bà Amatina của Vinaconex - ITC
Từ cuối năm 2020 cho đến đầu năm nay, Vinaconex - ITC đã chào bán riêng lẻ cổ phiếu tăng vốn điều lệ 144 triệu cổ phiếu, giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, để dự kiến thu về 1.440 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu về 1.440 tỷ đồng dùng để bổ dung vào dự án Cát Bà Amatina.
Sau phát hành, Vinaconex - ITC tăng vốn điều lệ từ 360 tỷ đồng hiện nay lên 1.800 tỷ đồng, tương ứng mức tăng gấp 5 lần.
Không chỉ huy động vốn từ phát hành cổ phiếu, trước đó HĐQT công ty đã phê duyệt vay vốn tại Ngân hàng Sacombank với số tiền tối đa 2.500 tỷ đồng để đầu tư dự án Cát Bà Amatina.
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 của ITC tổ chức vào 22/3/2021, ông Dương Văn Mậu, Chủ tịch HĐQT Vinaconex - ITC cũng từng trao đổi về cổ đông/nhóm cổ đông đã mua thành công trong lần phát hành 144 triệu cổ phiếu cuối năm 2020.
Cổ đông hỏi: Lãnh đạo công ty có thể chia sẻ cụ thể hơn về cổ đông hoặc nhóm cổ đông đã mua thành công trong lần phát hành 144 triệu cổ phiếu cuối năm 2020?
Chủ tịch HĐTQ Dương Văn Mậu trả lời: "Như chúng ta đã biết thì công ty đã từng trong tình trạng rất xấu, công ty cũng đã làm công bố đầy đủ nhưng hầu như những nhà đầu tư tổ chức họ không mua. Những cổ đông đã mua trong đợt phát hành này chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân, rơi vào khoảng 70 nhà đầu tư."
Theo ông Dương Văn Mậu, có thêm nguồn vốn từ các nhà đầu tư, Vinaconex - ITC đã nộp được gần 600 tỷ đồng tiền sử dụng đất cho TP Hải Phòng để có thể triển khai các thủ tục đầu tư khác cho dự án.
(Theo Vinaconex.com.vn)
|
Khoảng 1 năm qua, cổ phiếu của Vinaconex - ITC hồi phục khá ấn tượng, từ mức khoảng 8.000 đồng/cổ phiếu có lúc lên tới trên 25.000 đồng/cổ phiếu do các nhà đầu tư kỳ vọng vào dự án Cát Bà Amatina. Tuy nhiên, giá hiện xuống dưới 19.000 đồng/cổ phiếu có thể một phần do sự chậm trễ của dự án và tác động của đại dịch Covid-19.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin
Lê Hải - Pháp luật Plus