Thu nhập bình quân tháng của người lao động
Theo Tổng cục Thống kê cho hay, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I là 6,4 triệu đồng, tăng 1 triệu đồng so với quý trước và tăng 110 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,36 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (7,3 triệu đồng so với 5,4 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,43 lần khu vực nông thôn (7,9 triệu đồng so với 5,5 triệu đồng).
Thị trường lao động quý I đang dần sôi động trở lại ở nhiều ngành kinh tế, đời sống của người lao động được cải thiện hơn, thu nhập bình quân của người lao động có sự phục hồi mạnh mẽ. Nếu như quý III năm 2021, thị trường lao động đã trải qua những khó khăn chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây, với mức thu nhập bình quân của người lao động là 5,2 triệu đồng, là mức sụt giảm nghiêm trọng; đến quý IV năm 2021 thu nhập bình quân của người lao động có dấu hiệu cải thiện hơn, tăng khoảng 139 nghìn đồng so với quý III.
Bước sang quý I năm nay, cùng với các chính sách kinh tế thích ứng linh hoạt, thu nhập của người lao động tăng mạnh so với quý trước, tăng 20,1% (tương ứng tăng khoảng 1 triệu đồng/người/tháng). So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân của người lao động tăng khoảng gần 2%, tăng tương ứng khoảng 110 nghìn đồng và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020, tương ứng tăng 216 nghìn đồng/người/tháng.
So với quý trước, thu nhập của lao động làm việc trong các ngành kinh tế có sự tăng trưởng khá. Thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 7,3 triệu đồng, đây là khu vực có tốc độ tăng thu nhập bình quân tăng cao nhất trong ba khu vực kinh tế, tăng 22,6% so với quý trước, tăng tương ứng hơn 1,3 triệu đồng; lao động làm việc trong ngành dịch vụ có thu nhập bình quân là 7,5 triệu đồng, tăng 20,5% so với quý trước, tăng tương ứng gần 1,3 triệu đồng. Lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có thu nhập bình quân là 3,7 triệu đồng, tăng 8,8% so với quý trước, tăng tương ứng khoảng 301 nghìn đồng.
So với cùng kỳ năm 2021, lao động trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất trong ba khu vực kinh tế, tăng 3,1%, tương ứng tăng khoảng 114 nghìn đồng; lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng có thu nhập bình quân tăng 1,4%, tương ứng tăng 100 nghìn đồng; trong khi đó, lao động làm việc trong khu vực dịch vụ có mức thu nhập tăng không nhiều so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 78 nghìn đồng/người/tháng.
Ảnh minh họa
Quý I năm 2022, thu nhập bình quân tháng của người lao động có sự gia tăng mạnh trong hầu hết các ngành kinh tế chủ yếu so với quý trước. Lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức thu nhập bình quân là 7,2 triệu đồng, tăng 24,2%, tương ứng tăng 1,4 triệu đồng; lao động làm việc trong ngành bán buôn bán lẻ có thu nhập bình quân là 7,5 triệu đồng, tăng 23,3%, tương ứng tăng 1,4 triệu đồng; lao động làm việc trong ngành tài chính ngân hàng và bảo hiểm có thu nhập là 10,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 16,5%, tăng tương ứng là 1,5 triệu đồng; ngành kinh doanh bất động sản lao động có thu nhập bình quân là 10,7 triệu đồng, tăng 32,8%, tương ứng tăng 2,6 triệu đồng; lao động làm việc trong ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt có thu nhập bình quân là 9,5 triệu đồng, tăng 8,4%, tương ứng tăng 736 nghìn đồng.
Thất nghiệp trong độ tuổi lao động
Sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước ngay trong quý I năm 2022 đã giúp một bộ phận người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động. Chính vì vậy, tình hình thất nghiệp ở quý I năm 2022 đã khả quan hơn, thay vì dịch bệnh diễn biến phức tạp như trước đây, người lao động khó có cơ hội tìm được việc làm thì nay họ đã có thể tham gia vào thị trường lao động thuận lợi hơn.
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2022 là khoảng 1,1 triệu người, giảm 489,5 nghìn người so với quý trước và tăng 16,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2022 là 2,46%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,04 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 2,88%, giảm 2,21 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,31 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15-24 tuổi quý I năm 2022 là 7,93%, giảm 0,85 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,49 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,3%, cao hơn 2,10 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.
Ảnh minh họa
Lao động làm công việc tự sản tự tiêu
Số lao động làm công việc tự sản tự tiêu quý I năm 2022 là 4,8 triệu người (thấp hơn 0,1 triệu người so với quý trước nhưng vẫn cao hơn 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước), số lao động này chủ yếu biến động ở khu vực nông thôn. Gần hai phần ba số lao động làm công việc tự sản tự tiêu quý I năm 2022 là nữ giới (chiếm 62,4%).
Trong tổng số 4,8 triệu người là lao động sản xuất tự sản tự tiêu, có khoảng gần 2,7 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm 55,8%). Hầu hết lao động sản xuất tự sản tự tiêu đều không có bằng cấp, chứng chỉ. Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng đòi hỏi, yêu cầu cao về tay nghề, kỹ năng cũng như dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới tình hình lao động việc làm, cơ hội để nhóm lao động này có một công việc trên thị trường lao động là rất khó khăn.
N. Trường - Pháp luật Plus