Nhập khẩu nguyên phụ liệu sản xuất đang tăng cao. (Ảnh minh họa: Bộ Công Thương)
Nhiều tín hiệu vui
Theo báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp thương mại 2 tháng đầu năm 2024 của Bộ Công Thương, các chỉ số về xuất nhập khẩu đều rất đáng ghi nhận. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2024, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu (XK) đều ghi nhận mức tăng trưởng và có tới 39/45 mặt hàng tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch XK của nhiều nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến đạt mức tăng trưởng cao, thậm chí tăng ở mức hai con số, trong đó các mặt hàng XK chủ lực như gỗ và sản phẩm gỗ tăng tới 43,8%; sắt thép tăng 45,4%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 33,9%; giầy dép tăng 18,3%; hàng dệt may tăng 15%... Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện là mặt hàng đứng đầu về kim ngạch với trị giá ước đạt 9,58 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, ước đạt 9,54 tỷ USD.
Trong hai tháng đầu năm, XK tới các thị trường lớn phục hồi tốt và đạt mức tăng cao. Trong đó, Hoa Kỳ vẫn là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với giá trị khoảng 17,4 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Nhật Bản ước tăng 19,6%; châu Âu ước tăng 14,2%, Trung Quốc ước tăng 7,7%... Và tiếp tục giữ vững thặng dư thương mại sang các nước như Hoa Kỳ (xuất siêu ước đạt 15,2 tỷ USD, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm trước); châu Âu (ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 13,9%); xuất siêu sang Nhật Bản ước đạt 0,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,2 tỷ USD).
“Điều đặc biệt quan trọng là số lượng các đơn đặt hàng XK mới đã tăng lần đầu tiên kể từ tháng 10/2023. Sự khởi đầu thuận lợi trong 2 tháng đầu năm với việc các đơn hàng gia tăng, các DN tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ XK đã mở ra tín hiệu tích cực và mang tới kỳ vọng cho XK hàng hóa Việt Nam trong năm 2024” - Bộ Công Thương nhận định.
Tín hiệu phục hồi còn được thể hiện thông qua kim ngạch nhập khẩu (NK) khi báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ: “Do sự phục hồi mạnh của sản xuất và XK trong 2 tháng đầu năm nên nhu cầu NK máy móc thiết bị và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất tăng cao. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch NK hàng hóa ước đạt 54,62 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 19,67 tỷ USD, tăng 27,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 34,95 tỷ USD, tăng 13,3%.
“Đáng chú ý là NK nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tới 94% và tăng 22,2%, trong đó NK nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm tới 47%; tăng gần 25% cho thấy dấu hiệu tích cực về sự phục hồi của sản xuất và XK” - báo cáo nhận định.
Nhiều khó khăn, thách thức tiềm ẩn
Lý giải về tình hình sản xuất thương mại có nhiều kết quả khả quan trong 2 tháng đầu năm 2024, Bộ Công Thương cho rằng “là do yếu tố của sự phục hồi của thị trường thế giới, khi thế giới dần chuyển sang trạng thái mới, thích ứng với những biến động lớn của các năm 2022, 2023. Bên cạnh đó là những nỗ lực trong việc đa dạng hoá thị trường XK, đặc biệt là việc nâng cấp quan hệ với các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản... đã củng cố niềm tin của nhà đầu tư.
Mới đây, các đàm phán với Australia cũng sẽ sớm mở đường cho 2 loại quả tươi của Việt Nam có thể sang quốc gia này. Cùng với đó là việc nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất giữa Việt Nam - Australia (Đối tác Chiến lược toàn diện) cũng mang đến kỳ vọng hàng hóa Việt có thể gia tăng ở thị trường có quy mô NK hơn 250 tỷ USD/năm (trong khi Việt Nam mới chỉ XK sang thị trường này được khoảng hơn 5 tỷ USD/năm và vẫn đang ở thế nhập siêu với thị trường Australia).
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, mặc dù các kết quả 2 tháng đầu năm 2024 rất khả quan nhưng vẫn cần tập trung theo dõi sát tình hình để kịp thời ứng phó vì còn những khó khăn, thách thức tiềm ẩn như lãi suất còn cao, lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với lãi suất huy động; Các thị trường XK phục hồi nhưng chưa bền vững; Đáng lưu ý, năm 2024 diễn ra nhiều cuộc bầu cử ở nhiều quốc gia nên có thể dẫn đến nhiều thay đổi chính sách, đặc biệt các chính sách mang tính bảo hộ, hạn chế thương mại, tại các thị trường lớn Hoa Kỳ, EU, Nga, Ấn Độ…
Do đó, trong thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp để phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường XK, mở rộng thị trường mới và giữ vững vị thế ở các thị trường truyền thống. Bên cạnh đó, khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), đẩy nhanh đàm phán, ký kết các FTA, liên kết kinh tế mới để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh XK;
Ngoài ra, sẽ thúc đẩy, hỗ trợ DN chuyển mạnh sang XK chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, ứng phó hiệu quả với những rào cản kỹ thuật, các vụ kiện phòng vệ thương mại từ các nước NK và gia tăng mạnh XK qua các nền tảng số, các sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới với tệp khách hàng lên đến con số hàng trăm triệu.
Nhật Thu - Pháp luật Plus