Xuất siêu tháng thứ 2 liên tiếp
Theo báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại của Bộ Công thương, tháng 11/2021 là tháng thứ hai liên tiếp cán cân thương mại không bị thâm hụt, ghi nhận xuất siêu 100 triệu USD (tháng 10 xuất siêu 2,85 tỷ USD).
Tính chung 11 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam ước xuất siêu 225 triệu USD (10 tháng xuất siêu 160 triệu USD).
Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò quan trọng, đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước đạt kim ngạch xuất khẩu 257,95 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 86,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do sự trở lại hoạt động của các doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam sau hơn 3 tháng dừng hoạt động để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid -19.
Xuất khẩu tiếp đà tăng trưởng
Theo đánh giá của Bộ Công thương, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có những thuận lợi khi ta đang khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại (FTA) và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng ta có lợi thế.
Để thúc đẩy xuất khẩu trong những tháng cuối năm, Bộ Công thương cho biết đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách.
Đồng thời, Bộ Công thương cũng sẽ tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược, làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn
Theo Bộ Công thương, hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 11/2021 đã từng bước phục hồi do các địa phương cơ bản đã tuân thủ các quy định về phòng chống dịch trong tình hình mới, ban hành hướng dẫn và xây dựng kế hoạch về phòng chống dịch và phục hồi kinh tế.
Mặt khác, nhiều địa phương chủ động trao quyền lựa chọn phương án sản xuất cho doanh nghiệp theo các mô hình linh hoạt và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn trong sản xuất.
Các doanh nghiệp tiếp tục phục hồi sản xuất, kinh doanh
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã rất tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gồm liên kết vùng, kết nối cung cầu, tổ chức các chương trình kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ tổ chức sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường…
Mặc dù vậy, theo đánh giá Bộ Công thương, tuy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã từng bước phục hồi nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn.
Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất ở trong khu, cụm công nghiệp trở lại hoạt động chiếm tỷ lệ cao hơn so với các doanh nghiệp bên ngoài, tương ứng với đó thì tỷ lệ người lao động quay trở lại làm việc ở khu, cụm công nghiệp cũng cao hơn (ví dụ như ở Đồng Nai, số doanh nghiệp trở lại hoạt động trong khu công nghiệp đạt 99% và người lao động trở lại làm việc đạt 88%, trong khi đó các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp con số này là 83,5% và 65,5%).
"Điều này cho thấy sự trở lại hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngoài khu công nghiệp đang rất khó khăn", Bộ Công thương đánh giá.
Lũy kế 11 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng công nghiệp vẫn thấp hơn so với cùng kỳ chủ yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh. Do đó, khả năng năm 2021 chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp của cả nước chỉ tăng khoảng 4-5% thấp hơn so với mục tiêu kế hoạch (tăng 8-9%).
Hậu Lộc - TTTĐ