Tình hình cung ứng điện 7 tháng đầu năm 2023 ra sao?
Kinhte&Xahoi
Kể từ ngày 23/6/2023 cho đến thời điểm báo cáo, tình hình cung ứng điện về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu, không phải thực hiện tiết giảm điện.
Kể từ ngày 23/6/2023, tình hình cung ứng điện về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu
Theo Cục Điều tiết điện lực, 7 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 160,8 tỷ kWh, tăng trưởng 1,8% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 56,4% so với Kế hoạch năm 2023 được phê duyệt.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Ngày mới Online)
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, tình hình cung ứng điện được đảm bảo (phụ tải tăng trưởng âm, lưu lượng nước về các hồ thủy điện tăng cao).
Bước sang tháng 4, tình hình vận hành hệ thống điện thay đổi nhanh chóng: phụ tải tăng cao; lưu lượng nước về các hồ giảm thấp; các nguồn nhiệt điện than bị sự cố nhiều, một số nhà máy điện than xảy ra tình trạng thiếu than, một số nguồn nhiệt điện than miền Nam ngừng dự phòng, dẫn đến, mực nước thượng lưu các hồ thủy điện, đặc biệt là các hồ thủy điện lớn miền Bắc bị sụt giảm.
Nửa cuối tháng 5 và đầu tháng 6, hệ thống điện miền Bắc đã xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung và phải thực hiện tiết giảm phụ tải các địa phương khu vực miền Bắc để đảm bảo an ninh cung ứng điện.
Ngoài ra, hệ thống điện miền Nam cũng xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh tại một số giờ cao điểm, dẫn đến, các nguồn nhiệt điện chạy dầu có giá thành cao đã phải huy động để đáp ứng nhu cầu phụ tải đỉnh.
Kể từ ngày 23/6/2023 cho đến thời điểm báo cáo, tình hình cung ứng điện về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu, không phải thực hiện tiết giảm điện.
Đối với sự cố dài ngày: tổng công suất các tổ máy nhiệt điện bị sự cố dài ngày đã giảm từ 2.100 MW ngày 23/6/2023 xuống còn 1.270 MW ngày 01/8/2023. Dự kiến đến ngày 30/8, sẽ tiếp tục giảm xuống còn 370 MW.
Đối với sự cố ngắn ngày: từ ngày 23/6 cho đến 1/8 xảy ra 29 lần sự cố, giảm đáng kể so với thời gian trước. Các sự cố này đều được các đơn vị phát điện khẩn trương khắc phục, góp phần đảm bảo công suất khả dụng của hệ thống điện.
Về đảm bảo cung ứng than cho phát điện, từ ngày 23/6/2023 đã không còn tình trạng suy giảm công suất do thiếu than, tồn kho than đã được đảm bảo theo định mức.
Đối với nguồn thủy điện, nhìn chung lưu lượng nước về các hồ thủy điện đã được cải thiện cùng với chiến lược duy trì giữ mực nước cao, kết quả đến hết ngày 31/7, các hồ chứa thủy điện, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện đa mục tiêu miền Bắc đều cao hơn so với thời điểm ngày 23/6, cụ thể như hồ Sơn La cao hơn 13m, hồ Bản Chát cao hơn 9m, hồ Lai Châu cao hơn 1m v.v...
Dự kiến năm 2023, sản lượng lượng điện sản xuất và nhập khẩu tăng 5,3%
Cục Điều tiết điện lực cho biết, theo tính toán cập nhật Phương thức vận hành hệ thống điện tháng 8 năm 2023, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống trong các tháng còn lại (8 - 12) ước đạt 121,8 tỷ kWh, tăng trưởng 9,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế cả năm 2023, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 282,6 tỷ kWh, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 99,4% so với Kế hoạch năm 2023 được duyệt.
Về cân đối điện năng, nhìn chung, với việc đảm bảo cung ứng than cho phát điện, sự cố các nhà máy nhiệt điện được khắc phục, mực nước hồ chứa thuỷ điện được cải thiện, có thể nhận định công tác cung ứng điện trong các tháng còn lại của năm 2023 về cơ bản sẽ được đảm bảo, đáp ứng đủ điện cho nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân.
Tuy nhiên, để chủ động ứng phó những điều kiện xếp chồng bất lợi trong cung ứng điện có thể xảy ra trong thời gian những tháng cuối năm 2023 như nhu cầu phụ tải tăng cao, lưu lượng nước về hồ tiếp tục thấp v.v… phải tiếp tục quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp về vận hành, tiết kiệm điện và đẩy nhanh tiến độ đưa các công trình nguồn, lưới truyền tải vào khai thác.
Trong các tháng còn lại của năm 2023, Bộ Công Thương tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo EVN, TKV, PVN và các đơn vị liên quan tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm.
Lê Hải - Thanh Bình - Pháp luật Plus