Đây là tiền đề để xây dựng và phát triển Thủ đô là hạt nhân liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Luật Thủ đô (sửa đổi) là động lực để thành phố Hà Nội quy hoạch đô thị ven sông Hồng thành điểm đột phá. Ảnh: Nguyễn Quang
Quy hoạch đi trước một bước
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, đối với các chính sách xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý các quy định về quản lý, sử dụng đất tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê, bảo đảm phù hợp với quy hoạch và yêu cầu về phòng, chống lũ. Tinh thần chung là tiếp thu tối đa ý kiến cơ quan chuyên môn, cử tri, đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố.
Theo đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống. Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch.
Cụ thể, cho phép xây dựng các tuyến đê mới phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều và quy hoạch khác có liên quan để khai thác hiệu quả quỹ đất. Trên bãi sông được phép tồn tại một số khu vực dân cư hiện hữu và được phép xây dựng mới công trình, nhà ở với tỷ lệ thích hợp theo quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê và quy hoạch khác có liên quan; các khu vực bãi sông, bãi nổi còn lại được phép xây dựng các công trình dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng nhưng không tôn cao bãi sông, bãi nổi để bảo đảm yêu cầu không làm cản trở dòng chảy.
Thành phố được quyết định điều chỉnh việc xác định phân vùng môi trường trong quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện. Về phía HĐND thành phố Hà Nội được giao trọng trách quy định chi tiết trình tự, thủ tục điều chỉnh việc xác định phân vùng môi trường, điều chỉnh cục bộ quy hoạch.
Riêng đối với khu vực đã có quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu, quy hoạch xây dựng vùng huyện được phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị thì không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện mà căn cứ vào quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu, quy hoạch xây dựng vùng huyện và chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ từ quy hoạch chung Thủ đô và các chỉ tiêu sử dụng đất của địa phương để lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện.
Đích đến là phát triển đô thị hài hòa hai bên sông
Sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, cử tri Bùi Thị Định, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy đánh giá cao các quy định về phân cấp, phân quyền cho chính quyền Thủ đô trong quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô, bảo đảm thực hiện quy hoạch, quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan. Đồng thời xây dựng, tái thiết đô thị để thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” về tập trung triển khai quy hoạch đầu tư xây dựng ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống, quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng, tạo sự linh hoạt cho thành phố.
“Đây là nội dung mới so với quy định của pháp luật hiện hành, chuyển thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư từ Thủ tướng Chính phủ về cho thành phố Hà Nội, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương trong việc phát huy tiềm năng, tận dụng quỹ đất nông nghiệp sẵn có nhưng vẫn phù hợp với mục tiêu quản lý và bảo vệ đê điều, phòng chống thiên tai", bà Bùi Thị Định nêu ý kiến.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là cơ hội “vàng” để quy hoạch đô thị ven sông Hồng đột phá. Tuy nhiên, việc quy hoạch và lộ trình quy hoạch Thủ đô phải được thực hiện và kiểm soát chặt chẽ. Theo đó, cần quy hoạch Thủ đô với tầm nhìn chiến lược và lộ trình thực hiện phải do Trung ương chỉ đạo việc lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện. Đích đến là xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, môi trường sống trong lành, an ninh nguồn nước với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của thành phố.
Liên quan đến vấn đề này, luật gia Lê Quang Vững nhấn mạnh, theo quy định của Luật Quy hoạch thì quy hoạch Thủ đô thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi Quốc hội cho ý kiến trực tiếp đối với Đồ án Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV đã bảo đảm các quy hoạch này có tính tổng thể, tầm nhìn chiến lược. Như vậy, việc quy hoạch và lộ trình quy hoạch Thủ đô sẽ được thực hiện chặt chẽ, phù hợp với tính chất đặc biệt, đặc thù của quy hoạch Thủ đô.
hanoimoi.vn