Trùm xây dựng Coteccons làm ăn ra sao thời kỳ hậu "thay máu"?
Kinhte&Xahoi
Theo lý giải của ban lãnh đạo mới của Coteccons, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 4 năm 2020 giảm chủ yếu do tác động của dịch Covid-19, nhiều dự án bất động sản giãn tiến độ.
Sau cuộc chiến nội bộ, những người lãnh đạo cộm cán của Coteccons đã rời đi và đại diện của nhóm cổ đông lớn thế chỗ.
Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (Mã CK: CTD) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2020.
Trong quý 4, Coteccons có doanh thu đạt 4.296 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước; Giá vốn cùng giảm sâu, lợi nhuận gộp trong kỳ đạt 260 tỷ đồng, giảm 23%.
Trong khi đó, một số loại chi phí lại tăng lên; lợi nhuận sau thuế quý 4 của CTD đạt 94 tỷ đồng, giảm tới 60%.
Theo lý giải của ban lãnh đạo CTD, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 4 năm 2020 giảm chủ yếu do tác động của dịch Covid-19, nhiều dự án bất động sản giãn tiến độ.
Lũy kế năm 2020, doanh thu thuần của "ông trùm" xây dựng đạt 14.597 tỷ đồng, giảm 39% so với năm trước.
Trong cơ cấu doanh thu, tất cả lĩnh vực cốt yếu của CTD đều giảm, từ doanh thu hợp đồng xây dựng, cho thuê thiết bị xây dựng, cho thuê văn phòng... cho đến các khoản doanh thu khác.
Trong khi đó, chi phí quản lý của công ty tăng do phát sinh khoản trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi 125 tỷ đồng trong quý 4.
Kết quả sau khi trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế của CTD năm 2020 là 463 tỷ đồng, giảm 35%.
Về kế hoạch kinh doanh hợp nhất, năm 2020 CTD đặt mục tiêu 16.000 tỷ đồng doanh thu và 600 tỷ đồng lợi nhuận. Mặc dù chỉ tiêu giảm mạnh so với những gì đạt được năm 2019, song kết quả năm 2020 vẫn không hoàn thành trọn vẹn mục tiêu đặt ra.
Tính tới cuối năm 2020, tổng tài sản của Coteccons còn 14.203 tỷ đồng, giảm 13% so với đầu năm; Nợ phải trả là 5.675 tỷ đồng, giảm 27%.
Trước đó, sau cuộc chiến nội bộ, những người lãnh đạo cộm cán của Coteccons đã rời đi và đại diện của nhóm cổ đông lớn thế chỗ. Nhiều chi phí tăng thời gian qua được cho là do quá trình tái cơ cấu.
Nguyễn Mạnh - Theo Dân Trí