Ba "ông bầu" Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai, Võ Quốc Thắng - Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm và Trần Thanh Hải - Chủ tịch NutiFood là những người rất tâm huyết với bóng đá nước nhà. Chính tình yêu bóng đá góp phần tạo nên mối nhân duyên đưa họ trở thành những người bạn tri kỉ, gắn kết, cùng tạo ra những giá trị cho xã hội.
Từ cái duyên trên sân cỏ
Bầu Đức đã tròn 20 năm làm bóng đá chuyên nghiệp và có rất nhiều đóng góp để đặt nền móng cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Ông bầu phố núi đã tạo nên không ít sức bật cho bóng đá nội từ bản hợp đồng mang tên Kiatisak cho đến xây dựng Học viện Bóng đá HAGL, sau đó mời Park Hang Seo về làm huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam, mở ra một giai đoạn thành công rực rỡ trong suốt 3 năm qua.
Bầu Đức còn là người tiên phong xây dựng "văn hóa cầu thủ" khi những cầu thủ HAGL không chỉ được đào tạo chuyên nghiệp, mà còn phải học văn hóa, tốt nghiệp đại học, trau dồi ngoại ngữ. Ông tâm niêm các cầu thủ trẻ muốn sáng danh trong làng túc cầu thì trước hết cần trở thành một công dân tốt, có kiến thức để đóng góp cho xã hội.
Ba "ông bầu" trong sự kiện công bố chuỗi cà phê cán mốc 100 điểm bán trên toàn quốc. Từ trái sang phải: ông Trần Thanh Hải, ông Đoàn Nguyên Đức và ông Võ Quốc Thắng.
Trong hành trình xuyên suốt nhiều năm cống hiến cho bóng đá, bầu Đức có hai người bạn đặc biệt là bầu Thắng và bầu Hải, đều có chung tình yêu với quả bóng tròn. Ở thời điểm bầu Đức trình làng lứa Công Phượng, Xuân Trường thì bầu Hải - Chủ tịch NutiFood luôn sát cánh với những bản hợp đồng tài trợ rất lớn cho việc tổ chức các giải đấu giao hữu quốc tế, cũng như tài trợ cho CLB HAGL.
Bầu Hải không làm bóng đá chuyên nghiệp nhưng ông có công lớn tạo ra những sân chơi để cho các cầu thủ tài năng như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Phan Văn Đức, Quang Hải, Duy Mạnh, Đức Huy... được thi đấu thường xuyên ở các giải đấu giao hữu quốc tế tầm cỡ được tổ chức tại Việt Nam.
Đóng vai "người hùng thầm lặng", bầu Hải đóng góp hàng trăm tỷ cùng bầu Đức xây giấc mơ đưa bóng đá nước nhà vươn tầm châu lục. Ngay trong bối cảnh V.League gặp khó tìm kiếm nhà tài trợ mùa giải 2018, chủ tịch NutiFood đã lập tức tài trợ lên đến 40 tỷ đồng cho giải đấu hàng đầu Việt Nam. Bầu Hải cũng mở Học viện Bóng đá NutiFood giúp các em nhỏ yêu thích bóng đá được đào tạo bài bản, nuôi dưỡng đam mê để có cơ hội trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.
Ngoài bóng đá, NutiFood từng có những bản hợp đồng triệu đô để đầu tư cho những tài năng trẻ của thể thao nước nhà như kình ngư Nguyễn Diệp Phương Trâm - cô gái từng được ví như "tiểu Ánh Viên" trên đường đua xanh, hay tài trợ cho thần đồng cờ vua - Nguyễn Lê Cẩm Hiền...
Điều ông Hải luôn trăn trở, tâm huyết chính là nâng cao tầm vóc cho các vận động viên thể thao. Câu chuyện xuất phát từ một lần dõi theo lứa Công Phượng thi đấu, ông chủ của NutiFood cảm thấy các tài năng bóng đá nước nhà chơi tài hoa và đầy kỹ thuật nhưng thể lực, thể hình thua kém rất nhiều so với đối thủ, thường bị đuối sức vào nửa cuối hiệp 2.
Vì lý do đó, bầu Hải đã quyết định tài trợ dinh dưỡng cho các cầu thủ HAGL trong nhiều năm, cử đội ngũ bác sĩ và đầu bếp chuyên nghiệp theo sát các đội bóng tham dự Giải Bóng đá U19 Đông Nam Á 2014... với ước mơ được thấy các ngôi sao bóng đá Việt Nam phát triển toàn diện như các cầu thủ nước ngoài.
Bầu Thắng cũng từng sở hữu đội bóng Đồng Tâm Long An, là người luôn dạt dào nhiệt huyết và dành trọn vẹn tình yêu cho bóng đá Việt Nam. Chức vô địch Đông Nam Á đầu tiên của tuyển Việt Nam vào năm 2008 có công lao rất lớn của bầu Thắng, bởi ông sẵn sàng "tặng" HLV Calisto cho Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Ông Thắng bảo rằng khi tổ quốc cần thì phải làm tất cả đóng góp và ông vui vẻ để HLV Calisto rời CLB Long An để lên dẫn dắt đội tuyển quốc gia. Hình ảnh bầu Thắng khóc nghẹn ngào trong ngày tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008 đến bây giờ vẫn còn in sâu trong hàng triệu trái tim người hâm mộ.
Bục vinh quang ghi lại những khoảnh khắc của cầu thủ, huấn luyện viên ăn mừng chiến thắng nhưng không ai đeo lên cổ những tấm huy chương cho các ông bầu. Tuy vậy, hàng triệu người yêu bóng đá đều ghi nhận ba "ông bầu" Đoàn Nguyên Đức, Võ Quốc Thắng và Trần Thanh Hải là các nhân vật đã đóng góp, cống hiến cho bóng đá Việt Nam.
Đến chuỗi cà phê thật
Gắn kết với nhau vì tình yêu bóng đá, bầu Đức, bầu Thắng và bầu Hải lại tiếp tục gặp nhau thêm ở một điểm chung - xây dựng chuỗi cà phê Ông Bầu với slogan "Sống thật - Cà phê thật". Cái tên Ông Bầu ra đời cũng xuất phát từ niềm đam mê, quan điểm sống, mong ước cống hiến của những người bạn chung tâm huyết, cùng sát cánh bên nhau nhiều năm.
Một quán cà phê Ông Bầu khai trương đầu tháng 5 tại Bình Dương.
Với ba doanh nhân, kinh doanh cũng như bóng đá, phải thật và sạch. Họ mong muốn góp phần phát triển ngành cà phê, đưa cà phê sạch, không trộn phụ gia tạo hương vị đến người cho mọi người yêu mến loại đồ uống này, mang lại giá trị thật cho cà phê Việt Nam.
Trong sự kiện gần đây, bầu Đức tâm sự rằng, ông quan niệm mọi thứ trong cuộc sống, dù tình yêu bóng đá hay chuyện kinh doanh thì cần phải đặt chữ thật lên hàng đầu. Ông chủ HAGL từ lâu đã ấp ủ giấc mơ là làm sao trả lại giá trị thật cho cà phê khi sinh sống ở vùng cao nguyên Gia Lai nên thấu hiểu được cà phê được người dân yêu thích như thế nào.
"Xuất thân cũng là nông dân đi lên nên tôi rất thương những người nông dân một nắng hai sương trên những rẫy cà phê nhưng kết quả của họ thu được vẫn chưa được đền bù xứng đáng do chất lượng thu hoạch chưa cao. Tôi mong muốn mang đến cuộc sống tốt hơn cho người nông dân. Cách giúp đỡ tốt nhất cho họ là trả lại giá trị thật của cà phê", ông Đoàn Nguyên Đức nói.
Theo một khảo sát sơ bộ của NutiFood thì dù có tới 90% lượng cà phê xuất khẩu thô nhưng thương hiệu cà phê Việt Nam vẫn chưa được ghi nhận trên bản đồ thế giới. Còn ở thị trường trong nước, người tiêu dùng còn phải đối mặt hàng ngày với cà phê bị pha trộn.
Với chuỗi cà phê Ông Bầu, ba doanh nhân kiên định với việc sử dụng hạt cà phê có giá trị thương phẩm cao, được trồng và thu hoạch theo quy chuẩn hiện đại tại nông trường Cada (Đăk Lăk), một trong những nơi đầu tiên được người Pháp chọn lựa để có được các cây cà phê có chất lượng nhất Việt Nam.
Mong muốn mang đến những tách cà phê thật của bầu Đức, bầu Hải cũng là ước vọng của bầu Thắng. Trong một lần đến thăm nông trường Cada, ông Võ Quốc Thắng đã rất trân trọng và thưởng thức tách cà phê nơi đây như một tác phẩm nghệ thuật. Nắng gió cao nguyên như hòa quyện vào khiến hương vị của tách cà phê thơm lừng, đúng điệu.
"Ngay từ giây phút đó tôi thật sự bị chinh phục, muốn chia sẻ những ly cà phê này đến với mọi người dùng, qua đó chứng minh rằng cà phê Việt Nam rất ngon", bầu Thắng nói.
Ly cà phê Ông Bầu có giá từ 16.000 đồng, phù hợp với đại đa số người dân lao động.
Sau khi sáng lập thương hiệu cà phê Ông Bầu, cả 3 ông bầu thống nhất thành lập Quỹ Phát triển Tài năng Việt. Theo đó cứ mỗi ly nước bán ra sẽ trích 1.000 đồng đóng góp vào quỹ nhằm tạo ra cơ hội phát triển những tài năng trẻ, qua đó cống hiến cho nước nhà. Với kế hoạch phát triển chuỗi thành 10.000 điểm bán trên toàn quốc, dự kiến nếu mỗi điểm bán 100 ly cà phê mỗi ngày sẽ có khoảng một tỷ đồng thu về cho quỹ.
"Quỹ này khi đi vào hoạt động chính thức sắp tới sẽ được công khai, minh bạch kể từ nguồn thu đầu vào mỗi ngày, cho đến việc sử dụng số tiền ra sao", ông Thắng chia sẻ.
Khai trương cửa hàng đầu tiên vào cuối tháng 2, chuỗi cà phê của ba ông bầu nhanh chóng nhận được sự đón nhận rất lớn từ đông đảo người hâm mộ cũng như nhiều người yêu thích cà phê. Đến nay hệ thống này đã cán mốc 100 điểm bán và 600 đơn yêu cầu mở quán đang được phê duyệt. Chiến lược của ba doanh nhân là đàm phán với những đối tác trường vốn, có cùng mục tiêu kinh doanh để tăng tốc độ mở cửa hàng.
"Nhiều người vì yêu mến, trao sự tin tưởng lớn cho các ông bầu nên hết lòng đến ủng hộ hệ thống quán và cũng tìm đến để đặt vấn đề hợp tác kinh doanh, chung tay cùng các ông bầu lan tỏa cà phê thật và tinh thần sống thật", ông Thắng nói và tin tưởng rằng cột mốc 10.000 điểm bán vào năm 2022 - thời điểm kỷ niệm 100 năm khai sinh nông trường Cada sẽ không là điều xa vời.
Bảo An - Theo VnExpress