Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu gia hạn giá FIT cho điện gió
Kinhte&Xahoi
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu gia hạn chính sách ưu đãi đối với các dự án điện gió bị chậm tiến độ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đây là thông tin được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết tại buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận ngày 6/11 vừa qua.
Theo đó, tại buổi làm việc, ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị cho chủ trương kéo dài thời gian về cơ chế hưởng giá ưu đãi điện gió (giá FIT) theo Quyết định số 39/2018/QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 31/3/2022.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp với tỉnh Ninh Thuận ngày 6/11 (Ảnh: quochoi.vn)
Đồng thời, ông Nam cũng đề nghị Chính phủ quan tâm xem xét, chỉ đạo sớm ban hành cơ chế giá điện mặt trời, nối lưới đối với các dự án vận hành thương mại sau ngày 1/1/2021.
Trước kiến nghị của lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đối với chính sách giá điện gió, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí, đề nghị Chính phủ nghiên cứu gia hạn chính sách ưu đãi đối với các dự án điện gió bị chậm tiến độ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trong khi đó, về giá điện mặt trời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan như Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm ban hành chính sách giá mới, cơ chế đấu thầu đấu giá đối với điện mặt trời nối lưới.
Theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, sau ngày 31/10/2021 tới, cơ chế giá FIT (được hiểu là biểu giá điện ưu đãi) cho điện gió sẽ hết hạn.
Theo đó, dự án vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 sẽ hưởng giá bán điện ưu đãi 8,5 cent/kWh (1.927 đồng) với điện gió trên đất liền và 9,8 cent/kWh (2.223 đồng) với điện gió ngoài khơi trong thời gian 20 năm.
Danh sách 62 dự án với tổng công suất trên 3.479MW không kịp công nhận vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gửi Bộ Công thương về kết quả công nhận vận hành thương mại (COD) các dự án điện gió đến hết ngày 31/10/2021, có 146 dự án điện gió, công suất 8.171MW đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với EVN.
Theo đó, số dự án đã vận hành thương mại là 84 với tổng công suất hơn 3.980MW, trong đó có 15 dự án đã vận hành thương mại một phần với tổng công suất là hơn 325MW. Như vậy, đến khi kết thúc thời điểm ngày 31/10/2021, có đến 62 dự án với tổng công suất trên 3.479MW không kịp công nhận vận hành thương mại.
Hiện tại, dù đã hết thời hạn hưởng giá FIT, song các cơ quan hữu quan đến nay vẫn chưa có cơ chế giá mới cho các dự án chưa kịp vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 khiến nhà đầu tư lo gánh nặng nợ vay.
Do đó, nhiều nhà đầu tư điện gió cho rằng, đối với các dự án chưa kịp về đích, Chính phủ nên có chính sách phù hợp cho những nỗ lực của họ để tạo một môi trường năng lượng xanh tại Việt Nam, mặt khác do ảnh hưởng quá lớn của dịch Covid-19 nên nhiều dự án chậm tiến độ bất khả kháng.
Hậu Lộc - TTTĐ