Thực trạng nhức nhối này đã và đang gây hoang mang dư luận và để lại những hệ lụy xấu cho người tiêu dùng.
Hàng giả, hàng nhái “tấn công” người tiêu dùng
Mới đây lực lượng quản lý thị trường cả nước phối hợp với ngành chức năng kiểm tra và phát hiện ra hàng loạt vụ việc lớn vi phạm kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, trong đó hàng chục vụ việc đã được chuyển cho cơ quan điều tra để xử lý hình sự.
Mới đây nhất, ngày 3/1/2025, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 17 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Đội 7 - PC03 Công an TP Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm tại xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Lực lượng đã phát hiện trên 13 tấn thực phẩm bao gói sẵn có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu, gồm xúc xích, kẹo và các sản phẩm từ thịt...
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa có dấu hiệu vi phạm tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh: Trang Thu
Toàn bộ số hàng hóa là thực phẩm do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp, trị giá hàng hóa trên 1,8 tỷ đồng. Hiện, lực lượng chức năng đang hoàn thiện hồ sơ vụ việc xử lý theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 26/12/2024, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Tĩnh) đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện, xử lý 200kg nội tạng động vật đựng trong 3 thùng xốp đã bốc mùi hôi thối, biến đổi màu sắc, không có kiểm dịch và các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Lô hàng được các đối tượng khai nhận mua trôi nổi trên thị thường được vận chuyển từ TP Hồ Chí Minh đưa về tỉnh Nghệ An để tiêu thụ. Qua xác minh, làm rõ, lực lượng chức năng đã xử phạt 12 triệu đồng và tiêu huỷ toàn bộ số tang vật vi phạm theo quy định của pháp luật.
Dù liên tục phát hiện, kiểm tra, bắt giữ các vụ buôn lậu có số lượng hàng hóa lớn nhưng tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại thời điểm giáp Tết không có dấu hiệu hạ nhiệt, mà diễn biến phức tạp. Theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên, bên cạnh thủ đoạn cũ như khai sai tên hàng, chủng loại, số lượng, xuất xứ, trị giá hàng hóa... các đối tượng buôn lậu sử dụng phương thức, thủ đoạn mới, như không khai báo, khai không đúng với thực tế hàng hóa, che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng. Hàng hóa vi phạm được cất giấu tinh vi, để lẫn trong hàng hóa hợp pháp, đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu hàng hóa quá cảnh.
Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, kế hoạch tài chính - Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Nguyễn Hoàng Huy thông tin: thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán 2025, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, QLTT các tỉnh, thành phố đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm đối tượng kinh doanh, hoạt động có tổ chức trong việc tập kết, vận chuyển hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại.
Việc đấu tranh tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu dự báo nhu cầu sử dụng tăng cao trong dịp lễ, Tết như: thuốc lá, pháo nổ, thực phẩm, bánh, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... Địa bàn tập trung kiểm tra là các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, các đầu mối giao thông, điểm tập kết hàng hóa, tuyến giao thông trọng điểm.
Bên cạnh đó, Tổng cục QLTT cho biết, lực lượng QLTT đã xây dựng phương án, kế hoạch phối hợp với các lực lượng chức năng như: Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Thanh tra chuyên ngành… thường xuyên kiểm tra trên khâu lưu thông, rà soát các kho hàng, điểm tập kết hàng hóa, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, làng nghề…
Không để khoảng trống trong kiểm tra, giám sát thị trường
Công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại được dư luận hết sức quan tâm trong bối cảnh lực lượng QLTT đang sắp xếp lại bộ máy, để chấm dứt hoạt động của Tổng cục QLTT.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định: "Trong bối cảnh cả nước đang tích cực và khẩn trương thực hiện Nghị quyết 18/NQ-TW, Bộ cũng chỉ đạo lực lượng QLTT không được để có khoảng trống, không để bị đứt đoạn trong công tác triển khai, thực thi nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thị trường. Mặc dù chấm dứt hoạt động của Tổng cục QLTT, song các nhiệm vụ của lực lượng QLTT vẫn sẽ được các lực lượng QLTT địa phương thực hiện nghiêm túc."
Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng QLTT tiếp tục chú trọng kiểm tra, xử lý các sai phạm trong các ngành hàng thiết yếu như: xăng dầu, phân bón; các loại thực phẩm, đồ uống, thuốc lá thế hệ mới; thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, hàng thời trang, hàng điện tử...
Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn với các lực lượng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thương mại điện tử; tăng cường công tác thu thập thông tin, thẩm tra xác minh, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử.
Cùng với đó, tập trung kiểm tra việc kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng hóa trên thị trường nội địa; đẩy mạnh số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành và công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính. Trong đó, trọng tâm là triển khai đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm, trước, trong và sau Tết Nguyên đán với nhiều giải pháp quyết liệt.
Năm 2025, lực lượng QLTT sẽ tiếp tục tập trung, ưu tiên triển khai nhiệm vụ chống hàng giả trên thương mại điện tử; tập trung với những nỗ lực cao nhất để kiến tạo thị trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo quyền và lợi ích cho cộng đồng DN và người tiêu dùng.
Từ thực tế cho thấy, công tác QLTT đang gặp không ít khó khăn, phức tạp khi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng bùng phát và ngày càng tinh vi. Việc xử lý mới chỉ giải quyết được “phần ngọn” của vấn đề, thậm chí không ít người tiêu dùng biết là hàng vi phạm nhưng vẫn tiêu thụ.
Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Dương Đình Giám khuyến nghị, trong thời điểm này, người dân cần nâng cao cảnh giác, thận trọng hơn trong việc nhận diện phòng, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của chính mình.
Đặc biệt, không tham gia tiếp tay cho hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại và hàng giả; phản ánh thông tin, dấu hiệu vi phạm pháp luật trên địa bàn dân cư, đến lực lượng QLTT và các lực lượng chức năng để góp phần nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ở góc độ thực thi công vụ, chuyên gia QLTT Nguyễn Huy Cường đánh giá, việc kiểm soát, định danh tài khoản người bán, đăng tải chào bán, chào mua chưa thật sự chặt chẽ, chưa thường xuyên, liên tục của các sàn giao dịch thương mại điện tử cũng là một kẽ hở để các đối tượng lợi dụng đưa hàng hóa vi phạm bày bán công khai trên các sàn này.
Về giải pháp lâu dài, ông Nguyễn Huy Cường đề xuất, Nhà nước cần xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính cũng như cơ chế liên thông, trao đổi dữ liệu cơ sở giữa các bộ, ngành nhằm để hỗ trợ cho việc kiểm tra kiểm soát trực tiếp các cơ sở kinh doanh, tụ điểm sản xuất, bán hàng truyền thống…
Cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 hướng đến mục tiêu cao nhất là giữ ổn định thị trường, kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân
|
kinhtedothi.vn