VCCI đổi tên thành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Kinhte&Xahoi
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký Quyết định số 1496/QĐ-TTg đổi tên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và phê duyệt Điều lệ Liên đoàn này.
Ảnh minh họa. (Nguồn: OdinLand)
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có tên tiếng Anh là Vietnam Chamber of Commerce and Industry (VCCI).
Theo Điều lệ, VCCI là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam (cộng đồng doanh nghiệp) nhằm mục đích phát triển, bảo vệ và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học - công nghệ giữa Việt Nam với nước ngoài trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi, theo quy định của pháp luật.
VCCI hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.
VCCI là tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, có tư cách pháp nhân, tự chủ về tài chính, có con dấu, tài khoản riêng. VCCI đặt trụ sở chính tại Hà Nội.
VCCI được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc: Tự nguyện, tự quản, không vì mục đích lợi nhuận; hiệp thương dân chủ; bình đẳng, công khai, minh bạch; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ này.
VCCI bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho cộng đồng doanh nghiệp
VCCI có chức năng đại diện để thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong các quan hệ trong nước và quốc tế; hướng dẫn và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm với Nhà nước, xã hội.
Thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp; xúc tiến và hỗ trợ các hoạt động thương mại, đầu tư, hợp tác khoa học - công nghệ và các hoạt động kinh doanh khác của cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam và nước ngoài; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, tham gia xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.
VCCI có nhiệm vụ: Tập hợp, nghiên cứu thực trạng và kiến nghị với Đảng và Nhà nước các vấn đề về pháp luật, chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh và quan hệ lao động dưới các hình thức khác nhau theo quy định của pháp luật.
Là đầu mối tập hợp thông tin, ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức và tham gia quá trình tham vấn với các đoàn đàm phán về kinh tế, thương mại; tham gia với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình đàm phán, ký kết, gia nhập, phê chuẩn, thực thi các điều ước quốc tế có liên quan tới kinh tế, thương mại, lao động; hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thực thi các điều ước quốc tế về kinh tế, thương mại, lao động mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
VCCI thực hiện vai trò của tổ chức đại diện ở trung ương của người sử dụng lao động Việt Nam tham gia vào các thiết chế ba bên về quan hệ lao động, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng và liên kết tổ chức của người sử dụng lao động ở cấp ngành và địa phương; phối hợp với các tổ chức đại diện người lao động và các cơ quan, đơn vị hữu quan để hỗ trợ doanh nghiệp, người sử dụng lao động xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định theo quy định của pháp luật.
Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh và thực thi pháp luật
Đồng thời, tiến hành các hoạt động để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cộng đồng doanh nghiệp trong các quan hệ kinh doanh trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật; tư vấn và tham gia hỗ trợ giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan quản lý trong quá trình kinh doanh và thực thi pháp luật.
Hỗ trợ việc thành lập, phối hợp nâng cao năng lực hoạt động và liên kết các hiệp hội doanh nghiệp trong cả nước; hỗ trợ đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ ở Việt Nam và ở nước ngoài theo quy định.
Cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam theo ủy quyền của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; xác nhận các trường hợp bất khả kháng và chứng nhận, xác nhận các giấy tờ cần thiết khác trong hoạt động thương mại theo yêu cầu tự nguyện của các bên trong giao dịch hoặc theo yêu cầu, ủy quyền của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ở trong và ngoài nước…
Lê Hải - Pháp luật Plus