“Ốm tinh thần”
Mới đây, tại Hội thảo Văn hoá an toàn hàng không năm 2019, ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) - nêu lên vấn đề hạ tầng và điều kiện khai thác ở một số sân bay khiến hoạt động khai thác gặp rất nhiều áp lực, như: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Nha Trang và một số sân bay nước ngoài, đồng nghĩa với nguy cơ rủi ro ngày càng nhiều.
PGS. Philippe Cabon - Đại học Paris (Pháp)
Với an toàn hàng không, ông Dương Trí Thành cho rằng yếu tố quan trọng hàng đầu là sức khỏe và lương thưởng. Trong đó, phi công và tiếp viên phải khỏe thì chuyến bay mới an toàn, lương thưởng tốt thì họ mới yên tâm làm việc.
“Cách đây nhiều năm, Đoàn tiếp viên rất thiếu người nên có tình trạng tiếp viên hay báo ốm để nghỉ hoặc ốm về tinh thần. Nguyên do làm việc quá sức, sau đó khi Đoàn tiếp viên tuyển đủ người thì công việc đỡ áp lực hơn, mỗi ngày có 20-30 người xin nghỉ ốm. Trong khi đó, phi công không thể điều hành chuyến bay khi buồn ngủ. Sức khỏe rất quan trọng.” - ông Dương Trí Thành dẫn giải.
Cũng theo CEO Vietnam Airlins, các đội bay, đội tiếp viên, đội kỹ thuật phải quản lý và quan tâm, chia sẻ với người lao động. “Người đi làm nếu có lương thưởng đầy đủ thì tinh thần làm việc rất vui vẻ” - ông Thành nói và cho biết thêm: “Nếu được đào tạo tốt, tinh thông nghiệp vụ thì công việc luôn hiệu quả”.
Với những sự cố, rủi ro xảy ra, ông Dương Trí Thành cho rằng, lỗi con người không thể tránh khỏi, nhưng phải loại trừ dần và chủ động loại trừ ngay từ đầu, còn sự cố xảy ra rồi mới phản ứng thì sẽ không hiệu quả. “Phải loại trừ các nguyên nhân chủ quan và không để lỗi cá nhân lặp lại” - CEO của Vietnam Airlines cho biết.
Tai nạn thảm khốc!
Tại Hội thảo, PGS. Philippe Cabon - Đại học Paris (Pháp) chuyên nghiên cứu về yếu tố con người và an toàn đã dẫn chứng về một số vụ tai nạn máy bay từng xảy ra trên thế giới mà nguyên nhân liên quan tới yếu tố con người.
Cụ thể, trong vụ tai nạn máy bay xảy ra với hãng hàng không Tenerniffe năm 1977, các nhà điều tra đã xác định máy bay không có vấn đề kỹ thuật, phi hành đoàn được đào tạo tốt nhưng vụ việc xảy ra khi có sự giao tiếp không rõ ràng, bất đồng giữa cơ trưởng và cơ phó.
Năm 1990, chuyến bay của Avianca gặp tai nạn, phi hành đoàn không phát đi được thông báo khi gặp trường hợp khẩn cấp về nhiên liệu và không sử dụng được hệ thống khai thác bay, thiếu khả năng sử dụng các thuật ngữ hàng không đã chuẩn hóa.
Vụ tai nạn máy bay của Hãng hàng không Korean Airlines xảy ra năm 1997 có nguyên nhân cũng từ yếu tố con người. Khi đó, cơ trưởng đã không trao đổi đầy đủ, thực hiện không tốt quá trình điều hành và tiếp cận hạ cánh không chính xác. Trong khi đó, cơ phó và kỹ sư bay đã không theo dõi, kiểm tra thao tác của cơ trưởng chuyến bay...
Hoạt động đào tạo, bay SIM chuyển loại phi công tại Việt Nam
“Sự mệt mỏi của cơ trưởng và việc đào tạo không tốt đối với phi hành đoàn là nguyên nhân xảy ra tai nạn” - ông Philippe Cabon nói.
Vị chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực con người và an toàn chỉ ra rằng, lỗi con người có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, với ai và đó là những hành động chủ định không đúng.
Thực trạng an toàn bay
Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam - thừa nhận thời gian qua có những bất cập, hạn chế về an toàn hàng không, trong đó nguyên nhân đầu tiên là do mức tăng trưởng cao và liên tục đã tạo ra các thách thức đối với khả năng đáp ứng nguồn nhân lực, đặc biệt đối với nguồn nhân lực chất lượng cao như người lái, nhân viên kỹ thuật và tiếp viên hàng không cũng, gây áp lực nên hạ tầng hàng không.
“Đã xảy ra tình trạng vi phạm trong công tác xếp lịch bay và kiểm soát thời gian làm việc nghỉ ngơi đối với thành viên tổ bay.” - lãnh đạo Cục Hàng không nói và cho biết sức ép hoạt động khai thác máy bay và chính sách, biện pháp đảm bảo sự cân bằng, hài hoà giữa thương mại và đảm bảo an toàn bền vững đôi khi chưa được thực hiện đầy đủ.
Trong khi đó, ý thức tuân thủ quy trình khi làm việc, quy trình báo cáo, báo cáo tự nguyện và văn hóa an toàn còn chưa đồng đều giữa các hãng hàng không.
“Cần kiểm tra, giám sát vị trí và trách nhiệm đối với các người chịu trách nhiệm chính về khai thác, huấn luyện, bảo dưỡng, an toàn. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình quản lý an toàn SMS của các đơn vị; kiểm tra việc thực hiện chương trình theo dõi tham số bay” - lãnh đạo Cục Hàng không nói thêm về giải pháp.
Được biết, Cục Hàng không đã yêu cầu các hãng hàng không cung cấp thiết bị đầu cuối về phần mềm quản lý thời gian làm việc nghỉ ngơi của người lái và tiếp viên để phục vụ công tác giám sát theo quy định. Thanh tra hàng không sẽ đẩy mạnh công tác áp dụng chế tài đối với các hành vi vi phạm để đảm bảo tính răn đe và đảm bảo mục tiêu thúc đẩy an toàn.