Vì sao Vietnam Airlines giảm lỗ sau kiểm toán?
Kinhte&Xahoi
Lỗ sau thuế của công ty mẹ sau soát xét giảm 11% do điều chỉnh giảm chi phí lương khoảng 200 tỷ.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Đầu tư)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines, mã HoSE: HVN) vừa công bố Báo cáo tài chính công ty mẹ và Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 6 tháng đầu năm 2023.
Doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines sau nửa năm 2023 đã tăng 46%, đạt 44.275 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Vietnam Airlines lỗ sau thuế 1.386 tỷ đồng, nhưng đã giảm lỗ gần 4.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân khoản lỗ hợp nhất của Vietnam Airlines giảm mạnh kỳ này là nhờ giảm lỗ tại công ty mẹ. Trong khi các công ty con như Skypec, Vaeco, Viags… đều kinh doanh có lãi.
Tại thời điểm 30/6/2023, Vietnam Airlines ghi nhận vốn chủ sở hữu âm 12.512 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty lỗ lũy kế lên đến hơn 36.596 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc quý 2 năm nay.
Riêng về Báo cáo tài chính của công ty mẹ, tổng doanh thu và thu nhập khác tăng mạnh 58% so với 6 tháng đầu năm 2022 (tăng hơn 12.308 tỷ đồng).
Mức tăng tổng doanh thu và thu nhập khác cao hơn so với tổng chi phí dẫn đến lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ giảm lỗ được hơn 3.479 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn lỗ 1.178 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lỗ sau thuế của công ty mẹ sau soát xét giảm 11% - tương ứng mức giảm khoảng 142 tỷ đồng, do điều chỉnh giảm chi phí lương khoảng 200 tỷ.
Ngoài ra, số liệu công ty mẹ của hãng cũng thay đổi do cập nhật dự tính chi phí sửa chữa bảo dưỡng, chi phí phục vụ chuyến bay và doanh thu dịch vụ theo hóa đơn thực nhận.
Đến thời điểm hiện tại cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đã được đưa ra khỏi diện cảnh báo, từ ngày 26/12/2023.
Lý do HoSE đưa ra là Vietnam Airlines đã tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vào ngày 16/12, khắc phục được nguyên nhân dẫn đến chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo theo quy định.
Dù đã thoát khỏi diện cảnh báo, nhưng hơn 2 tỷ cổ phiếu HVN vẫn đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết khi vi phạm cả 3 điều kiện, gồm kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục, tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Thanh Xuân - Pháp luật Plus