Biên lợi nhuận giảm mạnh
Ngày 24/4/2017, 2,8 triệu cổ phiếu VIH được giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 10.000 đồng/CP. Ngay sau đó, giá cổ phiếu VIH liên tục tăng mạnh và có lúc đạt đỉnh là 28.500 đồng/CP vào ngày 27/6/2017.
Các khoản nợ bủa vây trong khi hiệu quả kinh doanh của Viglacera Hà Nội giảm sút rõ rệt.
Một trong những yếu tố hỗ trợ cổ phiếu VIH là sự tăng trưởng hoạt động kinh doanh của Viglacera Hà Nội. Cụ thể, tại thời điểm đầu năm 2016, tổng lỗ lũy kế của doanh nghiệp này lên tới 15,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong năm 2016 và 2017 lần lượt là 22 tỷ đồng và 19,5 tỷ đồng đã giúp Viglacera xóa đi khoản lỗ lũy kế này. Với vốn điều lệ là 28 tỷ đồng, thu nhập cơ bản trên một cổ phần (EPS) của Công ty năm 2016 và 2017 lần lượt là 7.848 đồng và 6.958 đồng.
9 tháng năm 2018, hiệu quả kinh doanh của Viglacera Hà Nội giảm sút rõ rệt. Báo cáo tài chính 9 tháng 2018 của Công ty cho biết, doanh thu thuần đạt 377,3 tỷ đồng, tăng trưởng 45% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, với biên lợi nhuận gộp giảm từ 21% xuống còn 12%, lợi nhuận gộp của Viglacera Hà Nội chỉ còn 48,2 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong khi đó, các khoản chi phí của Công ty đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, chi phí lãi vay tăng gần gấp đôi, từ 8,4 tỷ đồng lên 15,7 tỷ đồng; tổng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 20% lên 20,7 tỷ đồng; các khoản chi phí khác tăng nhẹ lên 9,8 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận trước thuế của Công ty chỉ đạt 2 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 7 triệu đồng, chênh lệch quá lớn so với mức lãi ròng 15,8 tỷ đồng đạt được trong 9 tháng đầu năm 2017.
Với kết quả như vậy, hiện cổ phiếu VIH được giao dịch quanh mức giá 9.000 đồng/CP với thanh khoản thấp.
Áp lực các khoản phải trả
Việc sụt giảm lợi nhuận không phải là nỗi buồn duy nhất của cổ đông Viglacera Hà Nội. Cơ cấu nguồn vốn bị mất cân đối cũng là điều đáng quan ngại. Cụ thể, tại thời điểm cuối quý III/2018, tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản là 92%. Báo động hơn là nợ ngắn hạn chiếm 83% tổng nợ. Chiếm tỷ trọng lớn trong nợ ngắn hạn luôn luôn là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn. So với thời điểm đầu năm 2018, con số nợ vay ngắn hạn của Viglacera Hà Nội đã tăng tới 34,5%, từ 149,5 tỷ đồng lên gần 201 tỷ đồng. Nếu tính cả các khoản dài hạn, tổng vay nợ của Viglacera Hà Nội đã lên tới 261 tỷ đồng. Trong đó, chủ nợ lớn nhất của Viglacera Hà Nội là Agribank với giá trị tại thời điểm 30/9/2018 là 159,3 tỷ đồng.
Hệ số khả năng thanh toán của Công ty luôn ở trạng thái báo động. Cụ thể, hệ số khả năng thanh toán hiện thời chỉ còn 0,6. Điều đó có nghĩa, tổng tài sản ngắn hạn của Viglacera Hà Nội không có khả năng hoàn trả các khoản nợ ngắn hạn. Cùng với đó, việc trả các khoản lãi vay cũng là một áp lực với Viglacera Hà Nội. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế và lãi vay của Công ty 9 tháng đầu năm đạt 17,3 tỷ đồng, không lớn hơn nhiều so với chi phí lãi vay là 15,3 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, lợi nhuận của Viglacera Hà Nội đang có xu hướng giảm, kết hợp với sự tăng mạnh của vay ngắn hạn ghi nhận cuối quý III/2018. Chính vì vậy, năm 2019, nếu Công ty không cải thiện hiệu quả kinh doanh, khả năng không thanh toán được các khoản lãi vay là rất cao.
Ngoài các khoản gốc và lãi ngân hàng phải thanh toán, Viglacera Hà Nội cũng đang phải giải quyết các khoản chi phí liên quan đến thuế. Cụ thể, kiểm toán viên có lưu ý trong báo cáo tài chính bán niên 2018 của Công ty như sau: “Công ty chưa phản ánh trên báo cáo tài chính các khoản phạt chậm nộp liên quan đến khoản thuế giá trị gia tăng theo kết quả kiểm tra của cơ quan thuế tại nhà máy ở Hải Dương do chưa thống nhất được với cơ quan thuế. Số tiền thuế phải nộp sẽ tùy thuộc vào quyết định cuối cùng của Tổng cục Thuế”.
Theo Báo Đấu thầu/KD&PL