Ổ bệnh bạch hầu bất ngờ xuất hiện tại Đắk Lắk

14/09/2019 09:59

Kinhte&Xahoi Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 4 ca bệnh bạch hầu, trong đó có một ca tử vong.

Hiện, ngành chức năng tỉnh này đang khẩn trương triển khai các biện pháp dập ổ bệnh; tổ chức điều trị cho bệnh nhân và cấp phát thuốc cho người dân vùng có bệnh bạch hầu, không để bệnh lây lan.

Chính quyền xã EaH’Đinh đặt biển khu vực cách ly để phòng ngừa nguy cơ lây bệnh.

Cả gia đình nhiễm bệnh

Theo đó, vào khoảng 12h15 ngày 29/8, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận bệnh nhân H’Si Yan (SN 2013, ngụ buôn H’Ring, xã Ea H’Đinh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc tốt, thở khò khè, họng có nhiều giả hạc trắng, bóc ra chảy máu. Đến 14h30 cùng ngày, bệnh nhân H’SiYan chuyển nặng, tiên lượng xấu, theo dõi bạch hầu. Đến đêm cùng ngày, bệnh nhân lên cơn khó thở, phản xạ kém, chuẩn đoán bạch hầu thanh quản, suy hô hấp cấp độ 4. Đến rạng sáng ngày 30/8, bệnh nhân tử vong và kết luận nghi do bạch hầu.

Ông Nguyễn Hữu Nhất - Chủ tịch UBND xã Ea H’Đinh cho biết, trong quá trình làm tang lễ cho nạn nhân, có 11 người sau khi đến đám tang xuất hiện những triệu chứng sốt. Những người này sau đó được đưa vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để theo dõi và điều trị. Quá trình kiểm tra, ít nhất có cha, mẹ của cháu H’Si Yan và một em nhỏ họ hàng của gia đình dương tính với bệnh bạch hầu.

Ngay sau đó, chính quyền xã Ea H’Đinh đã tổ chức đặt biển cách ly, hạn chế người dân qua lại khu vực gần nhà nạn nhân; tuyên truyền vận động cho người dân hạn chế đến thăm, viếng tại nhà nạn nhân. Đồng thời, khuyến cáo những trường hợp trong xã Ea H’Đinh xuất hiện triệu chứng sốt, đau họng cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra và cách ly điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh bạch hầu tại tỉnh Đắk Lắk khiến một bệnh nhân tử vong, mới đây, đoàn công tác của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) do ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với ngành y tế tỉnh Đắk Lắk.

Tại buổi làm việc, ông Phu đề nghị ngành y tế tỉnh Đắk Lắk thống kê tất cả các trường hợp nghi nhiễm bệnh, có biểu hiện sốt, đau họng, viêm họng; đồng thời khám kỹ, lấy mẫu để xác định bệnh, sau đó sàng lọc, phân loại sắp xếp cách ly điều trị ở khu riêng biệt. Cùng với đó là tiến hành tổng lực các biện pháp, từ tuyên truyền đến dịch tễ và điều trị tích cực, thông báo trên phạm vi toàn tỉnh.

Đồng thời, kết hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên để chuẩn đoán phát hiện xem đó có phải bệnh bạch hầu hay không. “Càng phát hiện sớm bao nhiêu, càng điều trị tích cực ngay từ đầu bao nhiêu và càng khoanh ổ dịch tốt bao nhiêu thì càng không bị lây lan dịch.

Biện pháp quan trọng nhất, trước mắt là phải tiến hành giám sát, điều trị cách ly và phải uống thuốc phòng cho tất cả những người có tiếp xúc, những người có liên quan; tiêm vaccine. Biện pháp quan trọng nữa là vấn đề vệ sinh, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh nhà cửa, vệ sinh quần áo”, ông Phu cho biết.

Biểu hiện và cách phòng ngừa

Theo ông Phu, trước đây, bệnh bạch hầu lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước.Từ khi vắc xin phòng bệnh bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc xin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Hiện bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh. Bạch hầu là bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của bệnh nhân hoặc người lành mang vi trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Bệnh bạch hầu thường gặp với những triệu chứng điển hình như: sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Sau 2 - 3 ngày, xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh. Người mắc bệnh bạch hầu khi không được phát hiện và điều trị kịp thời, độc tố bạch hầu có thể gây các tổn thương: viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim, tử vong do đột ngột trụy tim mạch.

Một số bệnh nhân bị viêm cơ tim và van tim, sau nhiều năm gây ra bệnh tim mãn và suy tim. Bệnh cũng khiến thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận. Đặc biệt, gây tắc nghẽn đường hô hấp và gây tử vong trong vòng 6 - 10 ngày. Để phòng bệnh bạch hầu, ông Phu cho biết, biện pháp duy nhất là tiêm phòng vắc xin phòng bệnh.

Đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phối hợp phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib (DPT-VGB-Hib/vắc xin Combefive, SII); hoặc vắc xin phối hợp phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT); hoặc vắc xin uốn ván - bạch hầu (TD) đầy đủ đúng lịch.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Khách phát hiện sữa Nuvita Grow vón cục: NutiFood nói gì?

Trả lời Báo Đời sống & Tiêu dùng, đại diện NutiFood cho biết, đơn vị này đã kiểm tra mẫu lưu của sản phẩm đó lưu tại nhà máy và thấy sản phẩm đạt. Tuy nhiên, trong văn bản trả lời khách hàng, NutiFood xác định sản phẩm có “hiện tượng tách béo”!

Nguồn: Pháp luật Plus