Thủ phủ vàng mã nhộn nhịp dịp tết ông Công ông Táo
Kinhte&Xahoi
Làng Song Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) được biết đến như thủ phủ của nghề làm vàng mã. Trong những ngày cận kề tết ông Công ông Táo, người dân nơi đây vẫn cặm cụi cho "ra lò" những sản phẩm phục vụ nhu cầu tâm linh trước khi đóng cửa đón Tết Canh Tý 2020.
Làng Song Hồ tấp nập quanh năm song mỗi dịp thời vụ như Tết ông Công ông Táo, nơi đây lại bận rộn hơn để sản xuất bộ đồ lễ cúng.
Mỗi bộ vàng mã cúng ông Công ông Táo bao gồm mũ cánh chuồn, hia, quần áo... đều được làm từ giấy, người Song Hồ làm rất nhanh và mẫu mã đẹp nên rất được ưu chuộng. Việc vận chuyển hàng phục vụ cúng lễ đã diễn ra từ nhiều ngày nay, nhưng trước 23 tháng Chạp vài ngày, việc buôn bán sản xuất vẫn diễn ra hối hả.
Một bộ sản phẩm bao gồm nhiều chi tiết, mỗi hộ sản xuất chỉ chuyên làm một thứ, do vậy để đóng gói trọn bộ cúng ông Công ông táo là công việc của rất nhiều hộ gia đình. Trong ảnh là một hộ sản xuất chuyên về các bộ quần áo giấy cho ông Công ông Táo.
Bà Nguyễn Thị Thọ, một thợ thủ công lành nghề cho biết "Trước đây người dân chỉ làm hàng ông Công ông Táo đến 22 tháng Chạp là chấm dứt, song để tận thu chúng tôi vẫn làm liên tục, cứ có đơn hàng là đáp ứng, kể cả đến sáng 23 tháng Chạp".
Ở xã Song Hồ, người dân làm nghề vàng mã chủ yếu là hình ngựa, voi, hình nhân đây là việc chính làm quanh năm. Đối với các dịp lễ lớn như rằm tháng Bảy, hình nhân thế mạng dâng sao giải hạn đầu năm, tết ông Công ông Táo, cây vàng cây bạc dịp tết cổ truyền thì chỉ mang tính chất thời vụ.
Hàng của người Song Hồ rất có uy tín và được ưa chuộng, vì vậy đồ vàng mã nơi đây có mặt ở nhiều vùng của miền Bắc phục vụ nhu cầu cúng lễ ở đền, phủ, miếu.
Nghề sản xuất vàng mã quanh năm đã mang lại cho làng Song Hồ nguồn thu nhập dồi dào, nhà cửa khang trang, tạo ra khá nhiều việc làm.
Tuy nghề vàng mã ở đây chưa thực sự lâu đời song lại đang phát triển mạnh mẽ bởi cho thu nhập ổn định quanh năm.
Chân dung bà Nguyễn Thị Thọ, một người làm nghề vàng mã ở Song Hồ đã có thâm niên 15 năm.
Những chuyến xe hàng xuôi ngược không ngừng trong dịp tết ông Công ông Táo ở Song Hồ.