"Giật cô hồn" - những kiểu quảng cáo theo xu hướng bất chấp và phản cảm
Kinhte&Xahoi
Thời đại của công nghệ mạng, để sản phẩm, dịch vụ gây ấn tượng với khách hàng, nhiều thương hiệu dùng đến một cách rất hiệu quả là quảng cáo dựa vào “trend”, tức các xu thế đang được quan tâm trong thời điểm đó. Tuy nhiên, cũng không ít doanh nghiệp theo “trend” quá đà, gây phản cảm, khiến người tiêu dùng đòi quay lưng.
Chương trình khuyến mãi “Dzật cô hồn online” gây nhiều phản ứng trái chiều.
Thiếu nhạy cảm
Tháng 7 Âm lịch hàng năm còn được gọi là tháng Vu lan báo hiếu, nhưng văn hóa dân gian cũng thường gọi là tháng “cô hồn” với quan niệm đây là tháng xá tội vong nhân, tháng mà người ta quan tâm và cầu nguyện cho những linh hồn vất vưởng. “Cô hồn” cũng là từ mà nhiều người dùng cho những kẻ lưu manh, ăn chặn của người khác…
Thế mà, một trang thương mại điện tử lại lấy tên “Dzật cô hồn online” đặt cho chương trình khuyến mãi tặng sách trong tháng 7. Theo đó, khách hàng sẽ tham gia một trò chơi (game) trên Tiki, gọi là trò “Dzật cô hồn” để nhận những quà tặng hiện vật của trang này.
Tất nhiên, với cái tên “kêu” và rất hợp thời điểm như trên, có không ít người tiêu dùng là giới trẻ đã bị thu hút, tham gia chương trình này. Tuy nhiên cũng không ít khách hàng lên tiếng, phản ứng về chương trình này.
Nhiều người cho rằng, cái tên này khá phản cảm, thiếu tôn trọng khách hàng. Một khách hàng, là người khá nổi tiếng đã chia sẻ: “Tôi nghĩ chúng tôi là người mua hàng chứ không phải là những cô hồn đi giật quà, giật phần thưởng từ các trang thương mại điện tử như thế này”.
Một thương hiệu khác thì ăn theo “trend” lộ clip nóng, khiến dư luận bất bình vì cách quảng cáo “bẩn”. Chuyện là khi hot girl T.A., xuất thân từ một chương trình truyền hình thực tế về hẹn hò bị lộ clip nóng với bạn trai và nhiều người vô ý thức lùng sục đường link, truyền nhau xem, thì một ứng dụng giao thức ăn lại tận dụng sự việc này làm ý tưởng cho việc quảng bá của mình.
Theo đó, trên fanpage chính thức của ứng dụng này đã đăng tải hình ảnh chiếc bánh mì cùng dòng chữ “Anh không ngại download, anh chỉ cần đường link thôi”. Mã khuyến mãi của chương trình khuyến mãi này được đặt là PEWPEW, giảm 40% cho những order ngay trong “4 phút” tại bánh mì PewPew.
Ý ám chỉ của chiến dịch quảng cáo này rất rõ ràng, bất cứ ai quan tâm đến sự việc cũng có thể nhìn thấy. Pew Pew là hot boy tham gia cùng TA trong chương trình hẹn hò nói trên, và “4 phút” là thời lượng clip nóng đang nổi tiếng thời điểm ấy.
Còn “đường link” là từ mà cư dân mạng thường đùa cợt nhau để “xin xỏ” bản quay clip. Tất nhiên, quảng cáo này khiến không ít người bất bình, cho là quảng cáo “bẩn”, nhưng một bộ phận giới trẻ thì vẫn bị thu hút, lấy làm thú vị và như vậy chiến dịch đã có sự thành công nhất định.
Phản tác dụng
Ngoài những thương hiệu lớn, các nhãn hàng nhỏ, cửa hàng nhỏ lẻ tìm những từ, những câu hay sự việc đang nóng để quảng cáo là online là không ít. Ví dụ cùng sự việc lộ clip nóng của hot girl TA nói trên, có nhiều cửa hàng nội y chụp lại nội y của TA và rao bán sản phẩm tương tự. Hay vụ việc người phụ nữ gây náo loạn sân bay vừa rồi, hình của chị đã bị cắt ghép, dùng làm quảng cáo cho không ít sản phẩm quần áo.
Tại nhiều nước trên thế giới, việc quảng cáo phản cảm theo xu thế cũng xảy ra không ít. Như chuyện nhiều doanh nghiệp nổi tiếng lấy các sự cố thảm họa thiên nhiên làm quảng cáo và họ cũng phải đối mặt với những cuộc tẩy chay khổng lồ từ cư dân mạng.
Tất nhiên, như đã nói ở trên, một khi doanh nghiệp đưa ra chiến dịch quảng cáo theo trend đầy phản cảm, số người phản ứng, tẩy chay là có. Nhưng một bộ phận người tiêu dùng cũng quan tâm, ủng hộ vì thích những gì gây sốc.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là phản ứng nhất thời trước những cái lạ, hấp dẫn. Nhưng về lâu về dài, những quảng cáo như thế chỉ có thể là “rác quảng cáo”, không đem lại lợi lộc gì cho người tiêu dùng. Đồng thời, về bản thân doanh nghiệp, những cách quảng cáo nói trên không những phản cảm, rẻ tiền, vi phạm thuần phong mỹ tục mà còn góp phần “hạ giá” hình ảnh thương hiệu trong mắt công chúng.