Đây cũng là mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 41-NQ/TƯ ngày 10-10-2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Dây chuyền sản xuất sữa tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Ảnh: Trọng Hiếu
Từng bước lớn mạnh
Theo thông tin từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khu vực kinh tế tư nhân có hơn 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Cộng đồng doanh nghiệp dân doanh đóng góp khoảng 60% GDP; tạo việc làm cho 14,8 triệu lao động. Năm 2022, tổng vốn của doanh nghiệp đạt gần 50,91 triệu tỷ đồng, tổng doanh thu thuần đạt gần 27,4 triệu tỷ đồng. Đội ngũ doanh nhân cả nước có khoảng 2-3 triệu người.
Qua thời gian, doanh nghiệp Việt Nam từng bước lớn mạnh, không ngừng cải thiện sức cạnh tranh. Đến nay, đã xuất hiện không ít doanh nghiệp tư nhân lớn, với thương hiệu mang tầm khu vực và thế giới, thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế ngành, địa phương; hợp tác và dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ, từng bước tạo lập chuỗi sản xuất nội địa. Có thể kể đến các thương hiệu tiêu biểu như Vingroup, FPT, BRG, Geleximco, Vinamilk… Những chiếc xe buýt do THACO lắp ráp, hay ô tô điện do Vinfast sản xuất đã được xuất khẩu là hình ảnh đáng khích lệ, minh chứng cho bước trưởng thành của doanh nhân, doanh nghiệp Việt.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, thời gian qua, một bộ phận lớn doanh nghiệp duy trì được đà tăng trưởng nhờ sự nỗ lực tự thân. Các chuyên gia cũng chia sẻ, tình hình kinh tế của cộng đồng doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng đã được xác lập, với xu hướng phục hồi rõ nét, trên diện rộng. Đó cũng là đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp khi vượt qua hàng loạt thách thức khó lường, bất lợi, nhất là từ khi bùng phát đại dịch Covid-19 đến nay.
Lắp ráp thiết bị máy công nghiệp tại Công ty cổ phần Cơ khí chính xác và chuyển giao công nghệ (Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ). Ảnh: Quang Thái
Cộng hưởng giải pháp, nâng lượng, tăng chất
Song, thực tế cho thấy, khối doanh nghiệp dân doanh đang bộc lộ những hạn chế, tồn tại và dù đã nhận diện rõ thách thức nhưng chậm được khắc phục. Nổi lên là tình trạng lạc hậu về công nghệ, thiếu vốn, thiếu kiến thức và năng lực quản trị, thiếu khả năng sáng tạo... Những hạn chế trên diễn ra trong bối cảnh Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất lớn, chịu tác động của từng diễn biến trên thị trường thế giới.
Phía trước còn nhiều khó khăn và thách thức khi xu hướng tiêu dùng và yêu cầu của các thị trường quốc tế về sản xuất, kinh doanh bền vững ngày càng cao. Với gần 98% có quy mô nhỏ và vừa, doanh nghiệp buộc phải đầu tư thích đáng cho kế hoạch và chiến lược kinh doanh bền vững, nếu không muốn mất cơ hội tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điều đó cũng đòi hỏi những biện pháp tập trung cải thiện toàn diện cho doanh nghiệp, chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo…
Trong bối cảnh đó, Nghị quyết số 41-NQ/TƯ ngày 10-10-2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã mang đến những định hướng và giải pháp mạnh mẽ. Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, đó là “món quà” hết sức ý nghĩa, với quan điểm sâu sắc, hun đúc khát vọng, hướng tới tương lai thịnh vượng cho đội ngũ doanh nhân.
Mục tiêu bao trùm của nghị quyết là phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số đạt tầm thế giới. Yêu cầu đặt ra là một số doanh nghiệp lớn phải có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu…
Giải quyết nhiệm vụ trên, giải pháp chủ yếu phải gồm việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng. Trong đó, cần khẩn trương rà soát, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp; bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế; bảo đảm khuôn khổ pháp luật ổn định, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, bình đẳng, nhất là trong tiếp cận nguồn lực; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm... Đáng chú ý là nghiên cứu triển khai cơ chế thử nghiệm để tạo điều kiện cho doanh nhân, doanh nghiệp có bước đột phá trong một số lĩnh vực mới có lợi thế, tiềm năng; mở rộng cơ chế đối thoại, tham vấn đội ngũ doanh nhân trong quá trình xây dựng, hoạch định chiến lược, chính sách.
Theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An, những nội dung, giải pháp trên rất trúng với mong đợi của doanh nhân và xã hội. Trong đó, sự an toàn, minh bạch về chính sách, quy định pháp luật; tăng tính phản biện trong xây dựng chính sách... là yếu tố quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển.
Còn chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, Nghị quyết số 41-NQ/TƯ có nhiều nội dung và thông điệp mới mang tính đột phá, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển mang tầm vóc, quy mô, vị thế mới của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới. Nghị quyết đã thể hiện đầy đủ, cụ thể yêu cầu về lượng và chất của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới; đồng thời khẳng định cần hoàn thiện thể chế và đồng bộ giải pháp, tạo môi trường đầu tư cởi mở, thân thiện, thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến.
Giám đốc Công ty TNHH May Hùng Nguyệt (quận Long Biên) Bùi Hữu Hùng nêu, Nghị quyết số 41-NQ/TƯ là động lực để giới doanh nhân nỗ lực đóng góp, xây dựng Việt Nam hùng cường. Các quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn mới được nêu tại nghị quyết đáp ứng sự mong đợi của giới doanh nhân và xã hội. "Tôi rất tâm đắc với yêu cầu “có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu”. Đây được xem là tầm nhìn dài hạn của Đảng, Nhà nước khi đặt niềm tin vào các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời cũng đặt lên vai các doanh nghiệp Việt trọng trách phải phát triển, lớn mạnh", ông Bùi Hữu Hùng nói.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong:
Nghị quyết đáp ứng trúng mong đợi của doanh nhân
Nghị quyết số 41-NQ/TƯ là mốc mới đánh dấu sự phát triển nhận thức, sự cầu thị, đổi mới, quyết tâm của Đảng về doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam. Nghị quyết đã đáp ứng trúng mong đợi của giới doanh nhân và thực tiễn xã hội, tạo động lực mới, vị thế mới để mở ra một giai đoạn phát triển mạnh mẽ mới của cộng đồng các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Qua đó, góp phần hiện thực hóa khát vọng “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 theo mục tiêu mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp Nguyễn Văn Tuấn:
Lấy đạo đức, văn hóa kinh doanh làm cốt lõi
Đội ngũ doanh nhân không chỉ là lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mà còn có vai trò xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế. Nghị quyết số 41-NQ/TƯ đặt ra yêu cầu doanh nhân trong thời kỳ mới phải lấy đạo đức, văn hóa kinh doanh làm cốt lõi, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng cống hiến. Đó cũng là trách nhiệm của mỗi doanh nhân, doanh nghiệp trong giai đoạn mới.
Sơn - Hà - Hiền - Hà Nội mới